Sáng 5-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2022.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao góp . TP.HCM cần thương lượng với nhân tài. Ảnh: TÁ LÂM
Đây là một trong các đềán, kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
Người tài “dị ứng”với thủ tục rườm rà
Tại hội thảo, các đại biểu đều vui mừng khi TP.HCM có chủ trương trải thảm đỏ thu hút nhân tài và họ cũng vạch ra nhiều điểm chưa hợp lý trong dự thảo đề án.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, cho rằng đề án chưa thể hiện tinh thần “mình cần người tài” mà mang dáng dấp tuyển chọn cán bộ chứ không phải là thu hút chuyên gia, người tài giỏi. “Thu hút nhân tài là mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Các chuyên gia, người giỏi có vị trí, có công việc hết rồi. Muốn thu hút được người giỏi làm việc cho TP.HCM thì phải thương lượng, chỉ rõ làm cho TP.HCM họ được lợi cái gì, lợi hơn làm chỗ khác cái gì” - GS Giao lý giải.
Một vấn đề khác mà ông Giao lo ngại, đó là thủ tục hành chính. “Một chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại, vì phải qua nhiều khâu mới đăng ký được, trong khi mình nói là thu hút, trọng dụng nhân tài” - GS phát biểu.
Ông cũng cho hay là cơ quan từng tổ chức một hội thảo về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, phần đông các chuyên gia chọn về doanh nghiệp, kế đến là trường học, gần như không ai vào cơ quan nhà nước. “Không nên phân biệt nhà khoa học trong nước và ngoài nước. Phải đối xử như nhau, người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Chỉ nên khác là hỗ trợ cho nhà khoa học nước ngoài về ăn ở, đi lại” – ông Giao nói.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, kể: Một nhà khoa học về công nghệ tính toán khi được mời về làm việc cũng bị buộc phải có một bộ hồ sơ lý lịch như cán bộ, công chức bình thường. Tôi nghĩ với những người như vậy chúng ta nên thoáng hơn, họ rất dị ứng với mấy chuyện đó” - GS Phùng nói.
Lương không quan trọng bằng môi trường làm việc
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP.HCM cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến.
Với trí thức Việt kiều, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng cũng cho rằng lương không quan trọng lắm mà điều quan trọng là môi trường làm việc và cách đối xử. Từ đó, ông Phùng đề nghị lãnh đạo TP lưu ý đến việc này, đồng thời nên “mềm” hơn và thoáng hơn đối với trí thức Việt kiều.
PGS-TS Đặng Văn Phan, Trường ĐH Cửu Long, cho rằng nếu TP.HCM chỉ đợi đến khi thành tiến sĩ, giáo sư mới “hái” thì không hiệu quả. Ông đề nghị TP.HCM phải ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng từ khi mới xuất hiện để chuẩn bị kế cận cho tương lai, cho sự phát triển bền vững của TP.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho rằng TP cần chủ động tìm kiếm người tài. “Với vai trò của mình, Thành đoàn xin nhận trách nhiệm sẽ tổng hợp, giới thiệu các sinh viên đầu vào, đầu ra giỏi của các trường để TP chọn lựa” – ông Sơn nói.