TP.HCM cần cơ chế đặc thù để giữ vai trò đầu tàu

Sáng 14-11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về nội dung này.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo tờ trình của Chính phủ, TP. HCM là trung tâm tài chính lớn. Tốc độ phát triển nhanh mạnh của lực lượng doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân đã tạo điều kiện cho TP có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cao hơn cả nước, số thu ngân sách trên địa bàn TP cũng lớn nhất...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TP cũng đã xuất hiện một số khó khăn, thách thức. Cụ thể như hạ tầng không theo kịp và cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; áp lực đầu tư cho bệnh viện, trường học rất lớn.

Cạnh đó, khả năng thu hút, phát huy đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao còn hạn chế; sức cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 năm liên tiếp thấp hơn bình quân cả nước...

“Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với TP.HCM là cần thiết”- tờ trình của CP nhấn mạnh.

Cũng theo tờ trình, về quản lý đất đai: Theo dự thảo Nghị quyết, HĐND TP.Hồ Chí Minh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. “Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai xin ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất...”- Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Về quản lý đầu tư: HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật đầu tư công...

Về quản lý tài chính – Ngân sách: HĐND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; Thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu... Cạnh đó, Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định....

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hồ Chí Minh quản lý: HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm