Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP.HCM về một số khó khăn, rủi ro của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong sáu tháng đầu năm 2019 và Hiệp hội BĐS TP.HCM HoREA bày tỏ lo ngại trước tình hình sụt giảm đột biến quy mô thị trường.
BĐS TP đang sụt giảm nhiều mặt, từ nguồn cung các dự án cho đến phân khúc thị trường rất trông đợi là các căn hộ vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Nỗi lo thị trường đi xuống
Từ đầu năm đến nay, chỉ có ba dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư (giảm 84,2% so với cùng kỳ năm 2018). Ngoài ra, TP có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, trong đó số lượng căn hộ ở phân khúc cao cấp giảm đến 43,8% và căn hộ bình dân giảm 34,7%.
Sự sụt giảm của thị trường tác động mạnh đến nguồn thu ngân sách. Năm 2018 thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỉ đồng. Trong năm tháng đầu năm 2019, nguồn thu đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sáu tháng đầu năm nguồn thu chưa đạt được 50% kế hoạch đặt ra.
Báo cáo sáu tháng đầu năm của đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường BĐS, Công ty DKRA, cũng cho thấy thị trường TP ghi nhận sự giảm nhiệt liên tục từ giữa năm 2018 đến nay đối với cả nguồn cung mới và lượng tiêu thụ. “Hiện tại, thị trường đang có nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm những điểm tích cực xen lẫn không tích cực. Tiêu biểu như sự lan tỏa ra thị trường các tỉnh lân cận, nhu cầu mua BĐS vẫn còn rất cao nhưng nguồn cung mới lại suy giảm mạnh” - DKRA nhận định.
Thị trường BĐS quý II-2019 được kỳ vọng khi có các dự án mới được tung ra thị trường. Ảnh: QUANG HUY
Bất lợi cho cả doanh nghiệp và người mua nhà
Theo HoREA, một trong những nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm là do nhiều dự án BĐS chưa được khai thông thủ tục để triển khai dự án.
“Đơn cử như dự án có đất công xen cài; dự án đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, đã có quỹ đất sạch nhưng khúc mắc ở điều kiện khởi công công trình; dự án bị chậm tính tiền sử dụng đất do quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài…” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chỉ ra.
Theo ông Châu, sự ách tắc này mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi họ đã chi rất nhiều để giải phóng mặt bằng, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, trả lãi vay, trả nợ và các chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý dự án. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện dự án.
“Từ đó, doanh nghiệp sẽ lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu dự án không triển khai được hoặc bị dừng triển khai” - ông Châu phân tích.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận thấy cái khó của doanh nghiệp. “Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM cần cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian cấp phép dự án mới. Ngoài ra, cần thấy có cung ắt có cầu và việc bức xúc của thị trường sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đáp ứng nguồn cung trong thời gian tới” - ông Hà nói.
Trong khi đó, nhận định về giá nhà, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho rằng việc nguồn cung mới tiếp tục bị thắt chặt đã tác động mặt bằng giá, khiến giá nhà vẫn duy trì ở mức cao.
“Các chủ đầu tư sở hữu dự án đã được phê duyệt thì treo giá bán cao để đảm bảo mục tiêu kinh doanh trong năm, thậm chí trong 3-5 năm tới vì họ hiểu việc tạo ra một dự án mới là vô cùng khó khăn. Điều này khiến người dân chưa có nhà ở càng khó tiếp cận giấc mơ có nhà” - ông Việt lý giải.
Ví dụ, chi phí để mua một căn nhà hiện nay đã tăng gần gấp ba so với thời điểm cách đây 4-5 năm. Năm 2014, với 400-500 triệu đồng người dân đã có thể sở hữu một ngôi nhà tầm trung cho gia đình 3-4 thành viên. Thế nhưng bây giờ, giá căn nhà tương tự hầu hết dao động quanh mốc 1,2-1,5 tỉ đồng. Cộng thêm lãi suất vay mua nhà có xu hướng tăng thì cơ hội mua được nhà của người trẻ càng khó hơn trước.
“Để gỡ nút thắt này, TP nên xem xét việc sử dụng các quỹ đất còn trống ở khu vực rìa để tạo ra những khu nhà ở xã hội, khu thương mại, các tiện ích cần thiết rồi giao cho chủ đầu tư có năng lực, uy tín thực hiện. Như vậy sẽ có sản phẩm giá thành thấp, phù hợp với túi tiền số đông người dân” - ông Việt đề xuất.
Đối với các dự án đã công nhận chủ đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện triển khai, TP đã rà soát và cho phép 124/150 dự án được vận hành trở lại. Trong quý II-2019 có khoảng 12 dự án bao gồm ba dự án mới và chín giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó, cung cấp ra thị trường khoảng 2.559 căn. Cạnh đó, sẽ có khoảng bốn dự án đất nền, cung cấp ra thị trường khoảng 291 nền, tăng 12% so với nguồn cung quý trước. |