Dự kiến khi Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.HCM được triển khai, TP sẽ chi khoảng 400.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021-2030.
Vận tải hành khách công cộng giảm
Theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều năm qua TP đã có từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng từng bước phát triển qua đầu tư phương tiện, hợp lý hóa luồng tuyến, chính sách trợ giá xe buýt…
Tuy nhiên, TP đang đứng trước khó khăn là lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh, VTHKCC đạt tỉ lệ thấp. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải gia tăng.
Dự kiến sẽ chi gần 400.00 tỉ để phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Theo Sở GTVT, VTHKCC khối lượng lớn như metro, monorail... sẽ là chủ lực quan trọng, góp phần đảm nhận nhu cầu giao thông tại các TP lớn.
Trong giai đoạn trước mắt, VTHKCC bằng xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi các hệ thống trên hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030). Nhà nước cần giữ vai trò chính trong hoạt động VTHKCC, bao gồm đầu từ hạ tầng và vận hành khai thác.
Các điều kiện cần về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe mô tô điện công cộng hỗ trợ kết nối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt được thuận lợi... sẽ phải đạt được trước khi tổ chức hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Tăng cường hiệu quả từng nhóm giải pháp
Sở GTVT cho rằng cần thực hiện các giải pháp cấp bách, giải pháp dài hạn để tăng cường VTHKCC, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của đa số người dân.
Ngành giao thông cần tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống VTHKCC để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15 % nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25 % nhu cầu đi lại vào năm 2030 .
Các giải pháp sẽ được sắp xếp theo từng nhóm. Ví dụ nhóm giải pháp tăng cường VTHKCC sẽ gồm: Phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2030; Tập trung ưu tiên mạnh mẽ nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác tối thiểu tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT; Đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Đối với nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, Sở này đưa ra một số đề xuất như thu phí xe ô tô vào trung tâm TP; tiến hành kiểm tra khí thải đối với xe lưu thông trên TP...
Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 393.792 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước sẽ dành ưu tiên cho phát triển VTHKCC tập trung thực hiện các nội dung: trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý và điều hành giao thông thông minh... Sau khi HĐND TP thông qua chủ trương về đề án, UBND TP sẽ xác định kinh phí cụ thể từng giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện và lập dự toán ngân sách, báo cáo HĐND TP để xem xét. |