Với khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn sử THPT quốc gia, có 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình, số thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên) là 0,36%. Môn này không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: HOÀNG GIANG
Môn địa cũng không có điểm 10, chỉ có ba thí sinh đạt 9,5 điểm; số thí sinh đạt điểm trên trung bình 74,06%; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 1,97%.
Trong khi đó, môn giáo dục công dân có đến 19 thí sinh đạt điểm 10; số thí sinh đạt điểm trên trung bình là 98,56%; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 40,29%.
Với bài thi Khoa học tự nhiên, môn lý có ba thí sinh đạt 9,5 điểm, không có điểm 10; số thí sinh đạt điểm trên trung bình là 53,48%; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 2,07%.
Môn hóa có 2,18% thí sinh từ 8 điểm trở lên; 49,2% thí sinh đạt điểm trên trung bình trong tổng số gần 50.000 thí sinh dự thi.
Môn sinh với 49.000 thí sinh dự thi, có một thí sinh đạt 9,75 điểm; số thí sinh đạt điểm trên trung bình là 37,85%, số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 1,08%.
Với 78.000 thí sinh dự thi, môn văn có năm bài đạt 9 điểm, không có điểm 10. Trong đó, 28 thí sinh có điểm liệt, thí sinh trên trung bình hơn 71%, thí sinh đạt điểm giỏi khoảng 0,7%.
Môn ngoại ngữ với hơn 69.000 thí sinh dự thi, có 20 bài thi đạt điểm 10, hơn 49% thí sinh đạt điểm trên trung bình, số thí sinh đạt điểm giỏi hơn 7,8%.
Môn toán có một thí sinh đạt điểm 10, có hơn 63% thí sinh đạt điểm trên trung bình (từ 5 điểm trở lên). Khoảng 1,19% trong số này (khoảng 1.000 bài thi) đạt từ điểm 8 trở lên.
Dự kiến ngày 11-7 Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia.