Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện kiến nghị trong công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021-2022 tại Hội đồng coi thi TP.HCM.
Thiếu sót đến đâu?
Theo đó, ngày 18-5, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có thông báo về kết quả kiểm tra công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm 2021-2022 tại Hội đồng coi thi TP.HCM.
Trong đó đã nêu ra những thiếu sót của Sở GD&ĐT về việc mở đề thi trước thời gian quy định, xếp thí sinh của các đơn vị tại các phòng thi riêng, số thí sinh của đội tuyển vượt so với quy chế thi. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GD&ĐT TP.HCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan (nếu có) đến những sai sót nêu trên.
Về những vấn đề trên, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có giải trình như sau:
Số lượng các đội tuyển một số môn thi của TP.HCM và Phổ thông năng khiếu có vượt quá 6 thí sinh là do 2 năm liên tiếp môn đó có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải. Do vậy, Sở GD&ĐT và trường Phổ thông Năng khiếu đã ra các văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng để có ý kiến xác định số lượng tăng thêm thí sinh và Cục Quản lý Chất lượng của Bộ GD&ĐT đã cho phép.
Việc xếp số báo danh không đúng quy định, Sở cho biết Hội đồng coi thi học sinh giỏi quốc gia tại TP.HCM là hội đồng ghép từ ba đơn vị dự thi (Sở GD&ĐT TP, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TP.HCM).
Trong đó, Sở là đơn vị đại diện nhập dữ liệu thí sinh cho 3 đơn vị dự thi trên phần mềm do Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT triển khai. Quá trình nhập dữ liệu được sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng và 3 đơn vị dự thi tại TP.HCM được cấp 3 mã đơn vị độc lập, đăng ký. Do Mã số của các đơn vị là khác nhau nên trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng triển khai sắp xếp theo thứ tự A, B, C,... của tất cả thí sinh dự thi ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi (theo danh sách đăng ký dự thi).
Phần mềm của Cục quản lý chất lượng không phối trộn danh sách cả 3 đơn vị trong cùng một môn thi rồi mới xếp thứ tự A, B, C, ... . Danh sách thí sinh dự thi tất cả các bộ môn được xuất ra từ phần mềm đều là danh sách độc lập của 3 đơn vị dự thi tại Hội đồng thi. Sở đã xếp thí sinh thi môn tiếng Anh, tin học theo từng đơn vị dự thi để quá trình coi thi diễn ra thuận lợi.
Việc mở đề trước thời gian cho phép được lý giải: tại Hội đồng coi thi ở TP.HCM có 26 thí sinh thi môn tiếng Anh ở ba phòng thi nhưng Bộ chỉ chuyển đến một phong bì đề thi thay vì ba phong bì đề thi cho ba phòng. Sau khi bàn bạc, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng coi thi đã thống nhất mở bì đề thi môn tiếng Anh trước thời gian cho phép để phân chia cho 3 phòng.
Về bố trí phòng thi của từng đội tuyển Tiếng Anh, Tin học không đúng quy định, Sở cho biết, đối với môn Tiếng Anh, tổng số thí sinh dự thi của ba đơn vị là 26 và phân chia thành 3 phòng thi vì môn Ngoại ngữ có phần thi viết và nói, danh sách phòng thi viết và nói phải trùng nhau (theo danh sách từng đơn vị), đảm bảo thời gian thi nói kết thúc cùng lúc với các hội đồng trên toàn quốc.
Do đó, Hội đồng coi thi thực hiện chia thành 3 phòng với số lượng lần lượt là 10 - 10 - 6 cho 3 đơn vị tương ứng. Thời lượng phần thi nói của mỗi thí sinh là 20 phút (không tính đến các sự cố bất thường có thể xảy ra).
Đối với môn Tin học, giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD, nếu phòng thi có số lượng 20 thí sinh thì công tác thu bài, in bài và sao chép bài thi lên đĩa CD sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cả Hội đồng.
Do đó, Hội đồng coi thi phân chia thành 2 phòng Tin học, mỗi phòng 10 thí sinh.
Rút kinh nghiệm, không kiểm điểm
Là một đơn vị được phân công phụ trách một số khâu của quá trình tổ chức coi thi, Sở GD&ĐT đã thực hiện đủ trách nhiệm theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong công tác sắp số báo danh và xếp phòng thi cho các môn, thấy bất thường không hợp lý từ các file xuất từ phần mềm học sinh giỏi của Bộ nhưng Sở GD&ĐT thiếu sót không tham mưu văn bản xin ý kiến Bộ GD&ĐT.
Là một đơn vị dự thi, Sở GD&ĐT đã thực hiện đúng quy chế, hướng dẫn và được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT duyệt cho từng bước trong các quy trình: Đăng ký, duyệt số lượng và cấp số báo danh dự thi.
Sở GD&ĐT đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và không tổ chức kiểm điểm tổ chức, cá nhân (lý do: Bộ phận tham mưu thực hiện đúng theo hướng dẫn tổ chức cuộc thi). Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp tổ chức kỳ thi.
Ba kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng có 3 kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần rà soát và điều chỉnh các quy định về tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT, thống nhất các quy định về số lượng học sinh dự thi của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, thống nhất giữa hướng dẫn, quy chế và phần mềm tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT.
Thứ hai, trên cơ sở quy mô và chất lượng giáo dục của TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận số lượng học sinh/môn thi của Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia của đội tuyển thành phố bằng số lượng của đơn vị dự thi Sở GD&ĐT Hà Nội.
Thứ ba, từ năm học 2022 – 2023, TP.HCM kiến nghị không tổ chức điểm thi chung cho 3 đơn vị độc lập gồm đơn vị dự thi Sở GD&ĐT TP.HCM, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường Trung học Thực hành, Đại học Sư Phạm TPHCM.
Trước đó, ngày 23-5, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (nếu có) liên quan đến những hạn chế, thiếu sót theo kết quả kiểm tra tại Thông báo của Bộ GD&ĐT tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022; xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc quyền quản lý theo quy định. Đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.