TP.HCM: Hơn 1.600 tỷ đồng được chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa và thể thao

(PLO)- Theo ông Võ Trọng Nam, PGĐ Sở VH&TT TP.HCM, TP.HCM đã chi thường xuyên cho lĩnh vực VH&TT là 1.668 tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-11, tại TP.HCM, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi đua ngành VH,TT&DL – Cụm thi đua các thành phố trực thuộc trung ương năm 2023.

Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

hoi-nghi-tong-ket1.JPG
Bộ VH,TT&DL tặng bằng khen cho 5 TP Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Ảnh: VĂN HÀ

Hoạt động VHTT&DL của 5 thành phố sôi động

Đánh giá tổng kết thi đua của cụm, ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở VH&TT TP.HCM nhận định trong năm 2023, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sự kiện được tổ chức sôi động, vượt từ 150 – 200% chỉ tiêu đề ra, mang tầm quốc gia và khu vực, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và du khách.

vo-trong-nam.JPG
Ông Võ Trọng Nam phát biểu

Cả 5 thành phố chú trọng tận dụng nguồn lực xã hội hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, từng bước giảm dần sự phụ thuộc ngân sách.

“Bên cạnh hoạt động văn hóa cơ sở có nhiều khởi sắc, đầu tư và chú trọng nhiều đến phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, phát triển không gian văn hóa ngày càng rõ nét hơn.

Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể sáng tạo và phát triển văn hóa” – ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, hoạt động VH&TT là nền tảng và cùng với du lịch đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách địa phương; tạo nền tảng phát triển Công nghiệp văn hóa 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể nói, hoạt động VH,TT&DL 5 thành phố trực thuộc Trung ương là những địa phương năng động và tiêu biểu, triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất các yêu cầu của Bộ VH,TT&DL.

Với quan điểm “văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”, các địa phương tập trung đầu tư và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thông qua một số điều kiện, giải pháp như: đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn tài chính (tỷ lệ đầu tư từ ngân sách phải đảm bảo 1,8% ngân sách chi thường xuyên).... quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.

"Riêng tại TP.HCM, về đầu tư cơ sở vật chất: Giai đoạn 2016 – 2020 chi đầu tư các dự án khoảng 1.749 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng ngân sách; giai đoạn 2021 – 2025 chỉ cho đầu tư các dự án khoảng 5.450 tỷ đồng, chiếm 3,8% ngân tổng ngân sách,

Tổng chi thường xuyên tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố là 60.127 tỷ đồng; chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa và thể thao là 1.668 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,77%, vượt gần 1% so với chỉ tiêu đặt ra. Điều này khẳng định sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, thể thao ngày càng được chú trọng" – ông Nam cho hay.

Các thành phố phải nỗ lực thêm

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng ngoài những việc đã làm được thì các TP trong cụm thi đua cần nhìn nhận những điểm còn hạn chế, chưa làm được để nỗ lực thêm thời gian tới.

nguyen-van-hung.JPG
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL

Theo ông Hùng, năm 2004, theo nghị quyết của Bộ Chính trị thì đầu tư cho ngành Văn hoá phải đạt 2% ngân sách, nhưng đến năm 2023 bắt đầu mới gần đạt được. Nhiệm kỳ này cố gắng để đạt 2%.

"Chúng ta đang khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Bối cảnh này cũng đặt ra thử thách cho việc sử dụng, tận dụng, khai thác có hiệu quả các vấn đề về thiết chế. Làm sao cho chúng sống động, để Nhà nước khi đầu tư không băn khoăn. Đây là các bài toán mà các TP lớn phải suy nghĩ, trăn trở.

Các thiết chế chưa đồng bộ, trong đó các thiết chế cũ không đáp ứng nhưng phải làm cho chúng sống động. Khó khăn bắt nguồn từ cơ chế, chính sách; quản lý tài sản công; chính sách liên doanh, liên kết… Nếu không tháo gỡ những điều này thì khó khăn sẽ còn.

Thứ ba là khó khăn về con người, nguồn lực về quản lý chưa đầy đủ, chưa đủ quyền để tự tính toán cho bộ máy của mình, khi mọi việc nằm ở Sở Nội vụ, UBND, HĐND… Làm sao có được con người toàn tâm toàn ý. Trong bộ máy chấp nhận đào tạo lại, truyền lửa… để cùng nhau làm, không còn con đường khác… Đó là nguyên nhân khiến phong trào thi đua chưa như mong muốn.

Mong các 5 TP phát huy thành quả đạt được; đổi mới cách thức, phong trào thi đua; lượng hoá từng phần việc; tập trung vào cơ chế, chính sách…" – ông Hùng bày tỏ.

Tuyên dương 14 mô hình tiêu biểu ngành VH,TT&DL

Tại Hội nghị, Bộ VH, VH&TT đã vinh danh 14 mô hình tiêu biểu của ngành VHTT&DL các thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 như mô hình Cuộc thi Cải lương “Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền”, Xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực thể thao thành tích cao thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2026 (Sở VH,TT&DL Cần Thơ)

Mô hình Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, cuộc thi “VINFAST IRONMAN 70.3 VIỆT NAM 2023”, Hội làng giữa phố (Sở VH&TT TP Đà Nẵng).

Mô hình Đêm thiêng liêng 3 với chủ đề "Lửa thanh xuân", Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” TP Hà Nội, lần thứ I - năm 2023, Hoạt động xã hội hóa thể thao giải trí cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội (Sở VH&TT TP Hà Nội).

hoi-nghi-tong-ket.JPG
Vinh danh 14 mô hình của 5 thành phố

Mô hình Đề án sân khấu Truyền hình Hải Phòng, Tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động cấp quốc gia về cơ sở (Sở VH&TT Hải Phòng).

Mô hình Xây dựng cơ sở thuyết minh tự động Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Bộ Tiêu chí Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM; Nghị quyết về nội dung chi và mức chi giải thưởng các cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp; Xây dựng một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên của TP.HCM (Sở VH&TT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm