Ngày 6-1, Thành ủy - UBND - HĐND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với các đại biểu đến dự buổi gặp mặt. Ảnh: THANH THÙY |
Các chứng nhân lịch sử, tham gia trận đánh vào mùa xuân 1968 đã cùng tề tựu về Hội trường Thống Nhất để cùng ôn lại một thuở hào hùng, tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến oanh liệt trên đường phố Sài Gòn năm xưa.
Người trực tiếp tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) xúc động kể lại, 55 trước, cách chỗ ông đang đứng hiện nay vài bước chân, ngay sau cổng Dinh Độc Lập là nơi diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ đội 5, Biệt động Sài Gòn.
Ông Bảy Hôn chia sẻ cảm xúc tại buổi họp mặt. Ảnh: THANH THÙY |
Ông Bảy Hôn nói, ông và những đồng đội may mắn còn sống vẫn thường tâm sự rằng, họ không hề có một chút hối tiếc về quyết định của mình khi quyết định tham gia vào trận đánh.
“Nếu lịch sử có lặp lại, chúng tôi vẫn quyết định như thế. Đảng cần, đơn vị cần, các chú, các anh cần thì chúng tôi luôn sẵn sàng” – ông Bảy Hôn khẳng định.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mãi mãi tri ân, mãi mãi biết ơn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”- Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ và nhấn mạnh những hy sinh đó đã và sẽ làm cho đất nước trường tồn, TP phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng TP.HCM hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến và giành được.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: THANH THÙY |
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn vì cả nước, cùng cả nước, tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách.
“Để khi nói về TP.HCM là chúng ta nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, là động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”- ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay.
“Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua, TP nguyện tiếp tục ra sức bảo vệ thành quả cách mạng của cha anh, nỗ lực xây dựng, phát triển và giữ vững TP thân yêu của chúng ta là TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; TP nhiều lần anh hùng, TP duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, được bạn bè quốc tế nể trọng”- ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Đại diện cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên thuộc thế hệ tiếp nối, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn TP, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM Ngô Minh Hải cho biết, tuổi trẻ TP bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tự hào về truyền thống cách mạng, những trang sử vẻ vang của dân tộc và của TP mang tên Bác.
“Tuổi trẻ TP nguyện phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, nối kết truyền thống với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong mỗi hành động thiết thực hàng ngày, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối cách mạng đã đánh đổi bằng chính xương máu của mình để dựng nên”- anh Ngô Minh Hải chia sẻ.
Cùng ngày, đoàn đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập- nay là Hội trường Thống Nhất.