Khám riêng các tài xế đối phó
Theo ông Thanh, việc lấy máu, nước tiểu của tài xế để kiểm tra ma túy sẽ được đoàn liên ngành trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, cách lấy mẫu như thế nào để có kết quả chính xác nhất đang được đoàn công tác tính toán. Vì lẽ nếu kiểm tra đột xuất, sẽ có tài xế ăn sáng rồi nên kết quả xét nghiệm có độ sai lệch. Còn nếu báo trước thì sẽ xuất hiện tình trạng tài xế đối phó bằng cách cáo bệnh, bận việc để nghỉ làm hoặc bảo “lỡ ăn sáng rồi”…
Ông Thanh khẳng định những tài xế có biểu hiện đối phó (dựa trên nghi vấn của các doanh nghiệp hoặc của đoàn công tác) sẽ được cách ly để tiến hành xét nghiệm chuyên biệt. Nếu không chịu cho lấy máu, nước tiểu tại chỗ hoặc xét nghiệm chuyên biệt, người bị nghi ngờ sẽ không được tiếp tục hành nghề vì không chấp hành các quy định của luật lao động.
Việc kiểm tra chất ma túy ở tài xế có thể được thực hiện ở cả các cơ sở đào tạo, sát hạch tài xế khi họ đến khám sức khỏe để cấp, đổi bằng lái. Ảnh: HTD
Do TP.HCM hiện có hơn 50.000 tài xế taxi, xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, du lịch, xe buýt, xe tải, xe container… nên việc kiểm tra sức khỏe và chất ma túy sẽ được thực hiện suốt năm 2014 thay vì đến ngày 30-4 như kế hoạch của Bộ GTVT. Việc kiểm tra sẽ không chỉ thực hiện ở bến xe, kho, cảng, trụ sở doanh nghiệp hoặc trên đường mà có thể mở rộng ra ở cả các nơi thường tập trung đông tài xế như cơ sở đào tạo, sát hạch tài xế và trạm đăng kiểm.
Xử nghiêm doanh nghiệp báo cáo không đúng
Đến hôm qua (5-5), Sở GTVT đã nhận được báo cáo tổng hợp kết quả khám sức khỏe tài xế của một số doanh nghiệp, hợp tác xã. Bước kiểm tra thực tế tại bến xe, cảng, kho và trên đường được tiến hành trong những ngày tới của đoàn liên ngành sẽ là khâu “phúc kiểm” các báo cáo trên.
Theo đó, nếu phát hiện tài xế nằm trong danh sách báo cáo của doanh nghiệp chưa được khám sức khỏe hoặc có chất ma túy trong người, Sở GTVT sẽ tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, các loại phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho chiếc xe đó. Ngoài ra, Thanh tra Sở GTVT sẽ xử lý các vi phạm về lao động (như không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm…) của doanh nghiệp.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Sở LĐ-TB&XH đứng ngoài Cuối năm 2013, các sở GTVT, Y tế, LĐ-TB&XH và Công an TP đã cùng ngồi lại để xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra ma túy với tài xế. Nhưng đến khi chính thức ký kế hoạch phối hợp thì Sở LĐ-TB&XH không tham gia với một số lý do. Để đảm bảo tiến độ công việc, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo ba đơn vị đã ký kế hoạch phối hợp phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có vấn đề gì liên quan đến ngành LĐ-TB&XH thì giám đốc sở này phải chịu trách nhiệm. |