Sáng 30-4, TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: TÁ LÂM
Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu ở Hội trường Thống Nhất (Phòng khánh tiết và khu vực trưng bày xe tăng 390). Ngoài ra còn được truyền hình trực tiếp và trực tuyến tại UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các sở, ngành và quận, huyện.
Đến dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhâncùng nhiều lãnh đạo TP, các mẹ Việt Nam anh hùng, nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Để bảo đảm quy định phòng chống dịch COVID-19, lễ kỷ niệm được tổ chức ngắn gọn và mỗi địa điểm tập trung không quá 30 người.
Đọc diễn văn ôn lại không khí hào hùng của dân tộc, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại những sự kiện lịch sử đáng nhớ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TÁ LÂM
Cũng từ mốc son lịch sử đó, TP.HCM đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và thách thức để đạt được nhiều thành tựu trong suốt 45 năm qua. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế TP tăng trưởng cao nhất, luôn giữ vững vị trí đầu tàu cả nước. “Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa của đất nước (chiếm 23%) và đóng góp lớn nhất vào thu ngân sách chiếm 27%” - ông Nhân nói.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM đã xây dựng Khu công nghệ cao thành công nhất cả nước được đầu tư 7 tỉ USD, xuất khẩu đạt 8 tỉ USD với hơn 36.000 lao động. Công viên phần mềm Quang Trung với 200 doanh nghiệp và nhà đầu tư, hơn 11.000 kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin. Doanh thu năm 2019 gần 12.000 tỉ đồng. Theo ông, đây là công viên phần mềm thành công nhất nước.
Các mẹ Việt Nam anh hùng và đại biểu có mặt tại buổi lễ. Ảnh: TÁ LÂM
Trong diễn văn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng dành thời gian nói về những nỗ lực trong phòng chống dịch COVID-19 mà TP.HCM đã làm trong suốt hơn ba tháng qua. Ông Nhân khẳng định chính quyền TP kiên quyết không để xảy ra dịch, đây là tiền đề để phát triển kinh tế thành công trong năm 2020 và 2021.
Đề cập về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Đảng bộ, chính quyền TP.HCM lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo cho thành công. TP sẽ tập trung thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, phấn đấu trở thành địa phương sáng tạo nhất nước với thành phố sáng tạo phía đông. Cùng đó, đảng viên phải là người tiên phong, không vi phạm pháp luật, hết lòng phục vụ nhân dân, xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương phát biểu tại điểm cầu khu vực trưng bày xe tăng 390. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM, cho rằng chiến thắng 30-4-1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.
Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hóa dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đồng thời là sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Theo ông Chương, có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn của Tổ quốc.
Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 30 năm đổi mới, trong bối cảnh đất nước hòa bình, xã hội ổn định. Cái giá của sự hy sinh của cả dân tộc ta vô cùng lớn lao để hôm nay nhân dân ta mới có hòa bình, có độc lập dân tộc thật sự, để sánh vai cùng bè bạn quốc tế đi lên theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, đại diện cho thế hệ trẻ TP.HCM phát biểu. Ảnh: TÁ LÂM
Đại diện cho thế hệ trẻ, bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, đã nhắc lại những chiến tích của thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với hoạt động ở nội thành, lực lượng vũ trang biệt động thành.
Theo bà Phương, sau giải phóng, thế hệ trẻ TP.HCM cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xây dựng đất nước, xây dựng các nông trường kinh tế mới, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia...
Đến nay, thế hệ trẻ TP vẫn không ngừng hăng hái học tập, lao động, sáng tạo, góp sức trẻ để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình... Đó là sự phấn đấu bền bỉ không ngừng của thế hệ trẻ thành phố để tạo ra các giá trị mới cho cộng đồng.