45 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam (VN) đã trải qua nhiều bước ngoặt quan trọng: Từ tái thiết đất nước; đổi mới; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; vượt qua thiên tai, thảm họa; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân; hội nhập sâu rộng và đóng góp tiếng nói xây dựng cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (ảnh), thành viên thuộc Ủy ban Luật pháp quốc tế (cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc về pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế), nhận định: VN trên con đường phát triển luôn phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tư duy “dĩ bất biến ứng vạn biến” để vượt qua mọi khó khăn.
Chiến thắng sức ỳ trong tư tưởng
. Phóng viên: Thưa đại sứ, đã 45 năm kể từ ngày VN thống nhất đất nước, chúng ta từng bước vượt qua khó khăn sau chiến tranh, tái thiết đất nước và hội nhập sâu rộng. Xin ông đúc kết những bài học then chốt?
+ Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Có nhiều cụm từ trực quan để mô tả các bài học then chốt. Tôi chỉ xin liệt kê một vài bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Thứ nhất là tinh thần đoàn kết muôn người như một. Mỗi khi đất nước cần thì tinh thần đó luôn là động lực giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Tinh thần ấy đã làm nên những chiến thắng thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… cho đến thời đại hiện nay. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Chúng ta đã đoàn kết để có được ngày 30-4, đã đoàn kết để phá vỡ thế bao vây cô lập, đưa đất nước hội nhập thành công và phát triển như hôm nay.
Thứ hai là dĩ bất biến ứng vạn biến. Mục tiêu không đổi của chúng ta là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là hạnh phúc của nhân dân. Khi đã xác định được thì dù kẻ thù nào, dù khó khăn nào chúng ta cũng tìm được cách vượt qua. Chúng ta đã đi qua 30 năm kháng chiến để có được ngày vui thống nhất. Chúng ta đã đi qua 45 năm từ một nước đói khổ không đủ ăn trở thành một cường quốc về nông nghiệp và chắc chắn sẽ có những bước tiến mới trong các lĩnh vực then chốt của đời sống như công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, giáo dục, y tế.
. Đâu là những khó khăn lớn nhất mà VN phải vượt qua trong chặng đường tái thiết, cải cách, hòa hợp dân tộc, hội nhập thế giới trong 45 năm qua?
+ Khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua đó là chiến thắng được cái tôi của mình, sức ỳ trong nhận thức tư tưởng sau chiến tranh. Chúng ta phải vượt qua chính chúng ta, dám bước vào công cuộc đổi mới. Chúng ta thay đổi cơ cấu kinh tế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bị bao vây cô lập sang làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.
Thắng đại dịch bởi sự “nhất trí đồng lòng”
. Vào những ngày kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước, VN phải đối đầu một “cuộc chiến mới” - chống đại dịch COVID-19. Các bài học lịch sử góp phần trong việc vượt qua thảm họa lần này ra sao?
+ Tinh thần đoàn kết thể hiện cả trong những hoạn nạn không ngờ như đại dịch COVID-19 hiện nay. Sau 45 năm, toàn dân lại đoàn kết để chống lại một kẻ thù vô hình - đại dịch. Theo dõi báo, đài quốc tế có thể thấy các nước đã đánh giá chính sự nhất trí đồng lòng từ trên xuống dưới là yếu tố quyết định giúp VN khắc chế đại dịch thành công cho đến lúc này.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tặng hoa chúc mừng các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trở về sau một năm làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: THANH TÙNG
Theo đó, Chính phủ VN đã chỉ huy quyết liệt chống dịch ngay từ sớm. Người dân trong và ngoài nước rất đồng lòng. Các bộ, ngành phối hợp hiệu quả, kiểm soát cách ly chặt chẽ, cung cấp thông tin minh bạch, tuyên truyền sâu rộng, sử dụng công nghệ cao và hợp tác quốc tế chặt chẽ để chống đại dịch. Tinh thần đoàn kết giúp tất cả thành phần của đất nước tham gia đóng góp nguồn lực và sáng kiến, góp phần tạo nên thành công quan trọng trong việc chống dịch.
. Những thành quả mà thế giới ghi nhận từ VN như thế nào?
+ Các chuyên gia và nhà báo từ nhiều nước đã đăng tải nhiều bài báo về việc chống dịch ở VN rất khách quan, tích cực. VN đã ở giai đoạn mở cửa có kiểm soát, sống chung với COVID-19 và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước đã đứng vững, hệ thống y tế của chúng ta đã đứng vững với tỉ lệ ba người nhiễm/triệu dân và chưa có tử vong. Nỗ lực này, giống như người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, là để đảm bảo “không có ai ở lại phía sau”, không có gia đình nào chịu tổn thất. VN không chỉ bảo vệ tốt người dân trong nước mà còn sẵn sàng chia sẻ vật chất, thiết bị y tế cho các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Với chủ quyền đất nước: Không nhân nhượng
. Bên cạnh dịch bệnh, biển Đông những ngày gần đây vẫn chưa ngừng “dậy sóng”. Tinh thần đoàn kết, dĩ bất biến ứng vạn biến cần được phát huy thế nào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thưa đại sứ?
+ Tôi khẳng định những bài học của lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. Cụ thể là sự đoàn kết trên dưới một lòng và dĩ bất biến ứng vạn biến. VN biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của luật pháp với chính nghĩa. VN đã từng phải vượt qua nhiều đội quân hùng hậu với nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy nhu thắng cương.
Phải nói rõ ràng rằng VN yêu chuộng hòa bình và hơn ai hết VN hiểu rất rõ cái giá của chiến tranh. Dù vậy, VN luôn sẵn sàng đấu tranh vì độc lập tự do và bảo toàn chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng trên biển Đông.
. Tinh thần ấy nên được thực tế hóa bằng những hành động cụ thể nào?
+ Tranh chấp trên biển Đông có hai loại: Tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển. Với các tranh chấp lãnh thổ chủ quyền chúng ta không thể nhân nhượng, đồng thời giải quyết phải dựa vào luật quốc tế. Với các tranh chấp biển liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, VN luôn khẳng định công ước này là cơ sở pháp lý đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
Ngoài ra, VN luôn cùng các nước đấu tranh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có hiệu lực pháp lý, nhằm ngăn ngừa những hành động không tôn trọng luật quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình. VN luôn kêu gọi các nước hợp tác, tìm kiếm một giải pháp hòa bình, cơ bản và lâu dài cho vấn đề biển Đông. Mặt khác, VN luôn cảnh giác và đẩy mạnh xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng của đất nước, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra.
Nhiều thành quả đáng khích lệ
. Là một nhà ngoại giao và làm việc tại một cơ quan lớn thuộc Liên Hiệp Quốc, đại sứ có thể chia sẻ cách nhìn tổng thể của bạn bè quốc tế với VN?
+ Nhìn chung là rất tích cực. VN đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tạo đà cho hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế. Vào những năm 1980, hiếm có ai nghĩ VN sẽ sớm đảm trách vai trò kép - ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kiêm chủ tịch ASEAN như hiện nay. VN từng bước tham gia vào cuộc chơi lớn của thế giới. Đổi mới đã cho VN cơ hội kiện toàn nền kinh tế, trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao trong khu vực và thế giới. Ví dụ TP.HCM, nơi này ngày càng hiện đại, văn minh và người dân có ý thức cao, đưa TP này trở thành một điểm sáng trong khu vực.
VN cũng từng bước giải quyết hiệu quả các tranh chấp lãnh thổ và biển, trở thành quốc gia đi đầu trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á, phá vỡ tình thế khó khăn tứ bề. Điển hình, VN đã giải quyết biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, đồng thời đang hoàn thành với Campuchia. VN đã phân định biển trong vịnh Bắc bộ, vịnh Thái Lan; phân định biển với Indonesia và hợp tác với Malaysia. Hiện còn đấu tranh giải quyết vấn đề biển Đông.
Các thành tựu của đất nước và chính sách dành cho người VN ở nước ngoài đã góp phần hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại. Dù còn khó khăn nhưng VN luôn đặt quyền được sống, quyền được chăm lo của người dân lên trên hết.
. Xin cám ơn đại sứ.
Cần có khát vọng vươn lên trong cuộc đại cách mạng 4.0 Khó khăn lớn nhất của VN vẫn là sự tụt hậu của cơ chế quản lý, kìm hãm sự đi lên của đất nước. Chúng ta không nên chủ quan, tự mãn với thành công của đổi mới năm 1986. Cuộc sống luôn thay đổi, luôn vận động và phát triển như Karl Marx tổng kết. Vì thế, chúng ta cần xung lực đổi mới tiếp tục. Chúng ta phải giải quyết được vấn nạn tham nhũng. Đất nước và toàn dân phải nâng cao hơn nữa tinh thần sống và làm theo pháp luật, không chỉ biết pháp luật quốc gia mà còn hiểu biết và áp dụng đúng luật quốc tế để phát triển và hội nhập. Chúng ta cần có khát vọng vươn lên trong cuộc đại cách mạng 4.0, 5.0. Một thách thức lớn nữa là ta phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững được chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển Đông phù hợp với luật quốc tế trong đó có UNCLOS. Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO, thành viên thuộc Ủy ban Luật pháp quốc tế |