Ký ức ở ‘tọa độ chết’ của người lính an ninh T4

Mỗi lần nhắc tới ngày 30-4 thống nhất đất nước, Trung tá Phạm Hồng Giang, người lính kiên trung của lực lượng An ninh vũ trang T4 không khỏi rưng rưng xúc động.

Ngày hôm ấy, có đồng đội ông reo vang niềm vui chiến thắng, có người vĩnh viễn nằm lại nơi lòng đất lạnh chẳng thể chứng kiến giờ phút thiêng liêng của toàn dân tộc, ngày đất nước nối liền một dải, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Trung tá Phạm Hồng Giang chia sẻ về những bức ảnh được ông lưu giữ cẩn thận. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đồng đội tôi hy sinh trước giờ chiến thắng

Chúng tôi gặp ông trong những ngày cuối tháng 4-2020. Người lính T4 năm nào giờ tóc đã bạc trắng nhưng ánh nhìn cương nghị, đôi mắt đôi khi vẫn như ánh lên những tia lửa. Trong căn nhà nhỏ, những bức ảnh đen trắng kỷ niệm được ông lưu giữ cẩn thận.

Ông kể lực lượng An ninh vũ trang T4 là đơn vị hình thành từ Tiểu đoàn Vinh Quang, Bộ Tư lệnh thành phố. Địa bàn hoạt động rộng xa, từ chiến khu D đến Bời Lời, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bến Tre…

Trung tá Phạm Hồng Giang, người lính T4 năm nào. Ảnh tư liệu

Để phù hợp với đặc điểm tình hình công tác, lực lượng này được biên chế thành ba đại đội cơ động. Tình huống nào cũng hành quân, chiến đấu di chuyển được ngay.

Cụ thể, Đại đội 1 là biệt phái làm giao liên cho Thành ủy, các ban ngành đoàn thể từ Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đến công tác. Đại đội 2 xây cất căn cứ, phục vụ thông tin điện đài, cơ yếu, hậu cần… Đại đội 3 bảo vệ vòng trong lãnh đạo đầu não như: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng…

“Trên đường hành quân chiến đấu, phá càn diệt địch mở đường, anh em Hố Bò có ngày 5-6 người hy sinh. Có đồng chí hy sinh trước giờ chiến thắng, các anh là Nguyễn Văn Sợt, Trương Văn Lâm, Phạm Văn Mến.

Đêm 29, chúng tôi nằm ngoài rừng ấp Bình Chánh, mờ sáng 30 chờ thời cơ vào tiếp quản. Ba đồng chí đi ba ghe bảo vệ các lãnh đạo cốt cán, khi chuẩn bị tới trạm rada thì bị tàn quân bắn phá. Họ hy sinh khi chỉ còn một ít thời gian nữa giải phóng hoàn toàn miền Nam...”, Trung tá Giang trầm ngâm nhớ lại.

Huân chương Quyết thắng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ông cũng kể về 12 liệt sĩ ở Trường đua Phú Thọ. Tiếng súng Mậu Thân 1968 làm rúng động Sài Gòn, sau đó thì  Bộ Tư lệnh Tiền phương 2 được lệnh rút về, 12 chiến sĩ của An ninh vũ trang T4 ở lại trận địa cầm chân địch.

12 người, phân tán đội hình ẩn nấp trong những góc đường, đối chọi với địch đông đến hàng trăm, có cả xe tăng, máy bay yểm trợ. Hơn bảy ngày đêm chiến đấu bất khuất, 12 con người đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Bộ Tư lệnh Tiền phương 2.

“Họ chiến đấu hy sinh tới đồng chí cuối cùng. Họ còn trẻ lắm, nhiều người còn chưa lập gia đình. Tôi biết Lê Văn Tăng (đội trưởng), năm đó anh khoảng 20 tuổi, quê Biên Hòa, chưa vợ, chưa người yêu” - nói tới đây người lính T4 bùi ngùi.

Cậu bé chăn trâu làm giao liên dũng cảm

Suốt buổi trò chuyện, ông hầu như chỉ kể chuyện về đồng đội, chỉ một đôi khi là câu chuyện về thuở thiếu thời và người bạn đời.

Ký ức của vị đại tá còn lưu dấu những năm 12, 13 tuổi, ông tham gia làm liên lạc xã, là tai mắt cho cách mạng. Chẳng ai ngờ cậu bé chăn trâu gầy còm ấy lại là liên lạc viên dũng cảm, gan dạ chuyên đưa thư từ cho cơ sở du kích hoạt động. Những trường hợp khẩn cấp, ông chui ẩn vào lúa nước cao quá đầu người để di chuyển an toàn, tránh tai mắt của địch.

Có đợt, từ nguồn tin mật, địch dùng cano tàu âm thầm đi vào làng, rạng sáng là bao vây toàn thôn, chốt chặn hết các ngã ba, ngã tư đường để quyết bắt bằng được lực lượng cách mạng tại đây. Nhưng địch không ngờ rằng ngay khi biết tin, cậu bé ấy đã cùng bà con mật báo để những cán bộ, chiến sĩ lên kế hoạch chui hầm thoát hiểm trong gang tấc.

Những tấm hình kỷ niệm với người bạn đời được ông lưu giữ khắp căn nhà. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trong căn nhà nhỏ, ngoài những bức ảnh đen trắng ngày hoạt động cách mạng, là la liệt những tấm ảnh của ông bà, người bạn đời đã vì ông hy sinh cả một thời son trẻ. Những lá thư chở bao nỗi nhớ, yêu xa trong biền biệt, bà vẫn chung thủy đợi chờ.

Ông nói năm 1960 là Phó bí thư đoàn xã Tiên Minh, Tiên Lãng, Hải Phòng nhưng từ cuối năm 1969 thì đi chiến đấu, để vợ ở Quảng Ninh.

"Năm năm sau, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng tôi mới chính thức đoàn tụ, hai vợ chồng gặp mặt, đứa con trai còn đỏ hỏn… Mà bà ấy mất rồi, hồi cuối năm ngoái”, Trung tá Giang nói tới đây rồi im lặng ngước nhìn lên tấm ảnh thờ.

Chiến tranh đã qua đi, Bắc Nam đã nối liền một dải nhưng có rất nhiều câu chuyện chưa một lần được kể. Ngày 30-4 lịch sử, nhắc lại để không chỉ nhớ về thời khắc thiêng liêng, tự hào của dân tộc mà còn để biết hòa bình, độc lập hôm nay được đánh đổi bằng bao máu xương của cha ông đi trước, để chúng ta biết trân trọng hơn cuộc sống hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm