TP.HCM lắp đặt nhiều trạm quan trắc kiểm soát chất lượng nước

(PLO)- Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất đầu tư, lắp đặt 10 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục trên địa bàn TP.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết Đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020-2030.

Lắp đặt 10 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục

Theo báo cáo của Sở TN&MT, sở đã từng bước phối hợp, đề xuất các dự án để đầu tư, lắp đặt 10 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục. Cụ thể, dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, trong đó có hạng mục đầu tư, lắp đặt hai trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt.

Khu vực Nhà máy nước Thủ Đức, nơi xử lý, cung cấp nước sạch cho TP. Ảnh: Đ.TRANG

Khu vực Nhà máy nước Thủ Đức, nơi xử lý, cung cấp nước sạch cho TP. Ảnh: Đ.TRANG

Ngoài ra, TP còn thực hiện dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Trong đó có hạng mục đầu tư, lắp đặt tám trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường theo quy hoạch đã được TP phê duyệt, Sở TN&MT giao Trung tâm Quan trắc TN&MT kêu gọi các nguồn tài trợ, đầu tư, vận hành theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đối với quan trắc tự động liên tục các nguồn thải lớn và khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP, trong quá trình thẩm định, cấp phép đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường… sở đề nghị các đơn vị cam kết và xây dựng lộ trình quan trắc tự động theo quy định pháp luật.

Trung tâm quan trắc đã và đang triển khai công tác quan trắc định kỳ tại 22 vị trí quan trắc nước sông, 80 vị trí quan trắc nước kênh rạch, 14 vị trí quan trắc nước dưới đất. Những thông tin về chất lượng môi trường sẽ được công bố lên bản tin chất lượng môi trường TP định kỳ hằng tháng.

Trong giai đoạn 2023-2025, TP.HCM sẽ tiếp tục lộ trình nâng cấp và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại TP. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc.

TP.HCM đã và đang triển khai công tác quan trắc định kỳ tại 22 vị trí quan trắc nước sông, 80 vị trí quan trắc nước kênh rạch, 14 vị trí quan trắc nước dưới đất.

Hạn chế khai thác nước dưới đất

Để hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, đối với nhóm hộ gia đình, Sở TN&MT phối hợp cùng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các công ty kinh doanh nước sạch… khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân sử dụng, khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay cho nước giếng.

Cạnh đó, TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu rõ lợi ích và các ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng nước giếng chưa được xử lý đúng phương pháp; hướng dẫn người dân trám lấp giếng hư hỏng, giếng không sử dụng theo quy định.

Đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất, TP chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất ngắn hạn với một số đơn vị, đối tượng cụ thể. Điển hình như đối với những đơn vị đặc thù (nhà máy bia, nước giải khát, nước đóng chai...), khu vực sử dụng nước để tưới cây phục vụ các công trình công cộng (công viên, tiểu cảnh dọc các tuyến đường), khu vực chưa có mạng lưới cấp nước hoặc đã có mạng lưới nhưng chất lượng, áp lực nước còn yếu…

Trong giai đoạn 2023-2025, TP sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ trám lấp giếng cho người dân, cùng phối hợp với các công ty kinh doanh nước sạch triển khai thực hiện để đạt hiệu quả.

Tại các địa bàn sử dụng nước cấp TP còn ít, các công ty kinh doanh cấp, nước sạch phải chủ động liên hệ, phổ biến đến người dân các chính sách khuyến khích lắp đặt đồng hồ, sử dụng nước sạch.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cần giảm, ngừng cấp phép các trường hợp giấy phép khai thác đến hạn tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác không phép.•

Giảm khai thác nước ngầm trong các năm tiếp theo

Đối với kế hoạch giảm khai thác nước ngầm cho giai đoạn 2022-2025, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết dự kiến đến cuối năm 2022, sản lượng khai thác nước ngầm của tổng công ty là 62.300 m3/ngày, đảm bảo giảm 3.700 m3/ngày so với sản lượng khai thác của năm 2021.

Đến cuối năm 2023, sản lượng khai thác nước ngầm của tổng công ty về mức 50.000 m3/ngày, dự kiến giảm thêm 12.300 m3/ngày so với năm 2022, đảm bảo theo đúng lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo Quyết định 1242 của UBND TP.

Đối với giai đoạn 2024-2025 sẽ tùy theo tình hình triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước, tình trạng cung cấp nước sạch của các đơn vị, tổng công ty sẽ xem xét lộ trình giảm khai thác nước dưới đất nhằm đảm bảo nhu cầu nước của người dân, đồng thời tuân thủ lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo quyết định của TP.

Đối với các trạm giếng ngừng khai thác, công ty sẽ đề xuất chuyển đổi công năng thành các vị trí cấp nước dự phòng chiến lược phục vụ kế hoạch cấp nước an toàn cho TP khi có sự cố không thể khai thác trực tiếp từ nguồn nước sông hoặc sự cố trên mạng lưới đường ống truyền tải nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm