TP.HCM đang lên các chiến lược chuẩn bị mở cửa trở lại, trong đó đặc biệt tập trung các chiến lược trong lĩnh vực y tế. Các chuyên gia cho rằng TP cần nhanh chóng củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để đáp ứng tốt nhu cầu điều trị F0 cũng như công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Chuẩn bị cho sự rút quân của lực lượng chi viện
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP đã thành lập hơn 530 trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bệnh nhân F0 với sự hỗ trợ của hàng ngàn nhân sự từ lực lượng quân y và nhiều bệnh viện (BV) khác trên cả nước.
Sắp tới, lực lượng hỗ trợ sẽ rút về, trong khi TP cũng đang tính toán kế hoạch mở cửa hoạt động kinh tế trở lại. Các chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề mà TP cần tính toán chính là củng cố ngay hệ thống y tế để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người dân, nhất là F0.
PGS-TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng khi TP mở cửa, chắc chắn số ca F0 sẽ tăng lên. Vì vậy, ưu tiên số một là phải củng cố hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc F0 tại nhà thật tốt. Theo PGS-TS Vũ Minh Phúc, TP cần giảm dần các BV dã chiến, thay vào đó là đầu tư máy móc, thiết bị cho hệ thống BV đa khoa hiện hữu vì chỉ các BV này mới có phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
“Phải mở rộng số giường ICU gấp hai đến ba lần so với trước đây, đầu tư về cả số lượng và chất lượng. Đồng thời, khi tăng số giường lên thì bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng tăng lên. Nếu TP làm tốt khâu này sẽ giảm được áp lực cho việc điều trị bệnh nhân ở các tầng cao” - bà Phúc nói.
Cùng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng TP cần củng cố ngay hệ thống y tế cơ sở tại thời điểm này. Bởi đây là thời điểm rất quan trọng vì lực lượng chi viện sắp rút về để tránh bị động và đảm bảo công bằng cho việc tiếp cận y tế của người dân TP.
Tuyển 1.000 sinh viên y vừa tốt nghiệp bổ sung cho y tế cơ sở
Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề cần tính đến là củng cố, đầu tư trang thiết bị và nhân sự cho các trạm y tế tại các phường, xã hiện nay. Bởi hiện nay, việc phân bổ nhân sự đang chủ yếu dựa trên ranh giới hành chính thay vì tính trên đầu người. Vì vậy, mỗi trạm y tế thường chỉ được bố trí nhân sự 6-10 người, tùy vào quy mô của từng phường, xã.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, các trạm y tế cơ sở có hai nhiệm vụ chính là dự phòng và điều trị bệnh ban đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các trạm y tế chủ yếu phát thuốc, tiêm ngừa và làm các công việc hành chính. Thêm vào đó, nhân sự cho các trạm y tế hiện nay cũng rất mỏng, trong điều kiện dân số TP rất đông. Có những phường, xã lên đến hàng trăm ngàn dân nhưng cũng chỉ có một vài bác sĩ, y sĩ nên không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, chưa kể trạm y tế không có trang thiết bị, máy móc cần thiết để điều trị bệnh.
Tại cuộc họp với lãnh đạo TP ngày 17-9, PGS-TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị TP cần mạnh dạn ký hợp đồng với Trường ĐH Y Dược TP.HCM để 1.000 sinh viên vừa tốt nghiệp về tăng cường cho các trạm y tế cơ sở tại hơn 300 phường, xã trên toàn TP. Đây cũng là một phương án để chuẩn bị cho sự rút quân của lực lượng y bác sĩ từ Học viện Quân y và các BV khác trên cả nước đã hỗ trợ cho TP chống dịch trong thời gian qua.
Hai học viên Học viện Quân y thuộc trạm y tế lưu động 12.2 (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang thăm khám và phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhanh chóng “kéo” tư nhân vào cuộc
Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Vũ Minh Phúc cho rằng củng cố hệ thống y tế cơ sở, đầu tư trang thiết bị y tế và tăng cường nhân lực là việc cần phải làm ngay. Tuy nhiên, hệ thống trạm y tế hiện nay chưa đáp ứng về điều kiện, máy móc cũng như nhân sự khám chữa bệnh. Muốn củng cố, đầu tư thì cũng chưa thể làm trong ngày một ngày hai. Vì vậy, trước mắt cần phải hiểu rõ đặc điểm, thói quen khám chữa bệnh của người dân TP để có phương án phù hợp.
Theo bà Phúc, người dân TP khi có bệnh thường rất ít khi đến khám tại các trạm y tế do không đủ cơ sở vật chất và thuốc thang điều trị. “Trừ lúc bệnh nặng, còn lại đa số người dân sẽ đến các phòng mạch, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bác sĩ tư nhân. Nhiều dân lao động thì chỉ có thói quen ra tiệm thuốc Tây nói triệu chứng, rồi lấy thuốc về điều trị. Gần như không ai vào khám tại các trạm y tế. Chúng ta phải hiểu được đặc thù này thì mới có hướng xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở phù hợp” - bà Phúc phân tích.
Từ đặc thù trên, bà Phúc cho rằng khi TP bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại thì phải mở ngay cho loại hình BV tư, phòng khám đa khoa tư nhân, phòng mạch để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bệnh nhân. “Sở Y tế cần có quy trình, tiêu chí rõ ràng để các đơn vị này khám chữa bệnh nhưng không làm lây lan dịch bệnh. Có như vậy mới có thể chăm sóc F0 tại nhà hiệu quả” - bà Phúc nói.
Về lâu dài, PGS-TS Vũ Minh Phúc cho rằng hướng củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các trạm y tế cơ sở chính là phải đầu tư, xây dựng giống như mô hình của một phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay. “Thậm chí, TP cũng có thể có cơ chế cho tư nhân cùng tham gia vào việc đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở. Có như thế mới cạnh tranh lại với các phòng khám đa khoa tư nhân và tránh lãng phí hàng trăm trạm y tế cơ sở hiện nay” - bà Phúc nói.
Thành phố sẽ sớm nghiên cứu Tại cuộc gặp gỡ các chuyên gia ngày 17-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên rất tâm đắc với ý kiến của các chuyên gia về việc cần thiết phải củng cố lại hệ thống y tế cơ sở. Ông Nên cũng cho rằng việc phân bổ biên chế theo ranh giới hành chính là chưa phù hợp với thực tiễn của TP với dân số đông. Một xã của Cần Giờ chỉ có 4.000-5.000 dân và một xã ở Bình Chánh hơn 130.000 dân nhưng khung bộ máy cũng giống nhau. “Lúc xảy ra dịch bệnh, phải lo lắng cho từng người dân thì bất cập này mới bộc lộ rõ nét nhất” - ông Nên nói. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ tính toán lại và tiếp tục ngồi lại với các chuyên gia để bàn về vấn đề này trong thời gian tới. |