Đó là thông tin được Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, nêu ra tại phiên giải trình về công tác PCCC trên địa bàn do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức sáng 4-4.
Nếu cháy thì hậu quả khôn lường
Mở đầu phiên giải trình, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết TP hiện có hàng trăm cơ sở vừa là nhà ở vừa là địa điểm kinh doanh. Loại hình này cơ quan PCCC không quản lý mà do địa phương quản lý.
“Những cơ sở này đa phần chỉ có một cửa chính, nhiều nơi không có cửa thoát hiểm, cửa chính lại là cửa cuốn, rất nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra bởi lúc đó nguồn điện điều khiển cửa đã bị ngắt. Phương tiện chữa cháy chỉ có nhiều nhất là hai bình chữa cháy/hộ. Có nhiều hộ tuy có bình chữa cháy nhưng lại không biết sử dụng Như vậy, công tác PCCC ở đây như thế nào?” - ông Danh hỏi.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng tỏ thái độ băn khoăn khi ông đi giám sát thấy chợ Tân Bình hiện không đảm bảo đủ điều kiện về an toàn PCCC. “Nếu có cháy nổ xảy ra thì hậu quả khôn lường. Tại sao không kiến nghị TP mạnh dạn di dời và xây mới chợ?” - ông Đức nói.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho rằng nếu người dân không có điều kiện trang bị bình chữa cháy thì có thể vận động doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: T.LÂM
Lo ngay ngáy các cao ốc chọc trời
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đặt vấn đề về thực trạng các nhà cao tầng mọc lên rất nhiều, đòi hỏi phải có phương pháp kết nối, xử lý nhanh khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Giải trình việc này, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết toàn TP hiện có khoảng 1.000 nhà cao tầng 25-100 m. Trong khi đó, hiện xe thang chữa cháy của TP chỉ tiếp cận tối đa đến được tầng 20.
“Không phải chỉ trong khu vực mà kể cả thế giới cũng không có nước nào có xe thang vượt phạm vi này. Còn ở những độ cao khác thì do các tiêu chuẩn quy định mà chủ đầu tư các công trình phải tuân thủ để khi có sự cố, lực lượng cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ” - Đại tá Bửu nói và khẳng định cảnh sát PCCC hoàn toàn đủ sức lên các tầng cao theo mọi hướng bằng thang máy dành cho cảnh sát PCCC, bằng cầu thang bộ.
Mỗi nhà đều có bình chữa cháy
Để công tác chữa cháy có hiệu quả, ông Bửu cho rằng ngoài lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, các nhà cao tầng phải đảm bảo chấp hành các quy định về phòng cháy như có hệ thống thang dành riêng cho PCCC, có nguồn nước, có bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động.
“Đặc biệt, phải có lực lượng tại chỗ nhanh chóng vào cuộc và phối hợp hiệu quả vì đây là lực lượng rất quan trọng khi vừa xảy ra cháy” - ông Bửu nói.
Đại tá Bửu cũng cho biết trong thời gian tới Cảnh sát PCCC TP sẽ kiểm tra mạnh mẽ hơn. Hiện ở quận 3, quận Bình Thạnh, quận 5 đã có chỉ đạo vận động mỗi nhà phải có bình chữa cháy. Các hộ vừa ở vừa kinh doanh thì càng phải có nhiều bình chữa cháy nhưng hiện nay chỉ dừng lại ở việc vận động.
“Tôi đề nghị TP phải có cơ chế đặc thù để làm việc này. Nếu dân không có điều kiện trang bị thì có thể vận động doanh nghiệp tài trợ chẳng hạn. Hoặc thay vì nhắc nhở thì phải có chế tài mạnh” - ông Bửu đề xuất.
Đừng để quá muộn màng Cần kịp thời đưa ra phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình. Phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định thì mới cấp phép và đồng ý cho chủ đầu tư bán căn hộ cho dân. Đừng để đến khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới quy trách nhiệm thì đã quá muộn màng. Đại tá TRẦN THANH CHÂU, Phó Giám đốc |