Chủ quán karaoke chỉ đối phó về PCCC

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, cho biết như trên.

Theo ông Tuyến, quy định buộc chủ cơ sở phải thiết kế tường, vách ngăn, trần, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt… là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Các bộ phận ngăn cháy của công trình như tường, vách ngăn cháy, sàn ngăn cháy, vùng ngăn cháy, khoang ngăn cháy, lỗ cửa và cửa ngăn cháy được làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa. Cụ thể như cửa, vách, tường có giới hạn chịu lửa tối thiểu 45 phút. Vật liệu ốp tường bằng gỗ, sàn… phải qua xử lý, ngâm tẩm hóa chất, sơn chống cháy và phải qua kiểm định về giới hạn chịu lửa mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở muốn giảm giá thành đã đối phó với cơ quan chức năng bằng các vật liệu rẻ tiền, không đảm bảo.

Thông tư cũng quy định các cơ sở karaoke, vũ trường phải trang bị hệ thống báo cháy tự động, phương tiện chữa cháy tại chỗ, quy định về lối thoát hiểm… Tuy nhiên, qua kiểm tra định kỳ, các quán gắn hệ thống báo cháy chỉ để trang trí vì không hoạt động, hoạt động không ổn định. Bình chữa cháy không bảo quản, bảo dưỡng bị rò rỉ nhưng chủ cơ sở mặc kệ, trang bị chỉ để đối phó với các đợt thanh tra, kiểm tra. Cửa thì thiết kế mở ra không theo chiều thoát nạn…

Không chỉ có các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường mà một số hộ gia đình, cao ốc… trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy theo hướng đối phó. Trong khi chỉ cần một sai sót nhỏ, hỏa hoạn có thể ập tới bất cứ lúc nào. Có cơ sở khóa luôn cửa thoát nạn vì sợ mất của. Họ nghĩ đơn giản là đã có thang máy thì không sử dụng thang bộ. Có nơi để xe máy chắn đường thoát nạn, xảy ra cháy thì chạy đi đâu, xây lối thoát nạn không để làm gì.

Có nơi lắp hệ thống báo cháy với mục đích đối phó vì sau khi cơ quan chức năng đến kiểm tra là họ… tắt luôn. Có hệ thống báo cháy hư hỏng vì không bảo dưỡng, bảo trì; báo cháy giả liên tục làm người dân ngán. Khi báo cháy thật thì không ai chạy; có nơi mua phương tiện chữa cháy về để đó vì… chẳng biết dùng thế nào.

Theo ông Tuyến, ngay sau khi nhận công điện của Thủ tướng về việc tăng cường công tác PCCC, sáng 3-11, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã họp khẩn, chỉ đạo lực lượng phối hợp với các sở ngành, quận huyện tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về PCCC, đặc biệt là các quán karaoke, vũ trường…

Với một quán karaoke 5-6 tầng có diện tích sàn khoảng 150 m2 thì hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động gồm bể nước, bể phòng bơm, đường ống âm tường, biển báo chỉ dẫn thoát nạn… theo quy chuẩn phải tốn khoảng 1,5-2 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các quán karaoke là nhà ở chuyển công năng nên khó có thể thiết kế theo quy chuẩn chữa cháy tự động.

Về cửa phòng karaoke, theo quy chuẩn phải là cửa chống cháy, cách âm nhưng chủ quán sử dụng cửa thông thường, giá thành sẽ rẻ hơn một nửa so với cửa chống cháy. Tương tự, gỗ tiêu âm, vật dụng trong phòng bằng vật liệu chống cháy… giá thành cũng cao hơn nên chủ quán lơ đi để bớt chi phí ban đầu.

Khi thiết kế các phòng karaoke, tôi luôn tư vấn cho khách hàng nên tuân thủ các quy định.

KTS NGUYỄN HỮU TĂNG

Các kỹ năng sống sót trong đám cháy

Hầu hết các tòa nhà cao tầng, quán karaoke có hệ thống báo cháy tự động nhưng các căn phòng thường đóng kín, họ không thể nghe tiếng còi báo. Nếu phát hiện ra cháy, bạn nên đập mạnh cửa phòng và la lớn: “Cháy! Cháy!”.

+ Khi xảy ra cháy, tuyệt đối không di chuyển bằng thang máy mà phải bằng thang bộ.

+ Cúi thấp người hoặc bò khi di chuyển: Khi cháy, dưỡng khí tập trung phía dưới, khí độc, khói độc ở phía trên. Khói và khí độc làm con người tử vong nhanh hơn so với lửa.

+ Nép sát tường khi di chuyển vì sẽ hạn chế việc bị la phông, vật nặng từ trần nhà rơi xuống; điều này còn hạn chế bị người phía sau chen lấn, giẫm đạp và nếu tường có bị sập, lực bị va đập nhỏ hơn.

+ Phải sờ vào cửa trước khi mở: Khi sờ vào cửa thấy nóng, thấy khói bốc lên từ dưới cửa thì tuyệt đối không mở, phải di chuyển sang hướng khác. Khi mở cửa phải mở từ từ, người nép sau cánh cửa. Nếu mở cửa mà không thể thoát được thì phải đóng lại ngay, chèn kín các khe cửa để giữ dưỡng khí, đợi lực lượng cứu hộ.

+ Nếu ban công, cửa sổ hướng không cháy ở vị trí thấp, trước khi nhảy hãy vứt chăn, gối, nệm xuống trước. Tìm cách leo xuống càng thấp càng tốt trước khi thả người rơi tự do, cho chân tiếp đất khi rơi.

+ Dùng thừng chuyên dụng, vòi chữa cháy, chăn mền nối lại, buộc chặt một đầu vào cấu kiện xây dựng rồi từ từ tuột xuống đất.

+ Nếu thấy có cửa sổ nhưng quá cao thì mở ra để thoát khói, khí độc, đồng thời la lớn, ra hiệu kêu cứu.

Nếu bị bén lửa vào quần áo, dùng chăn, ga, quần áo nhúng nước choàng lên người để dập lửa hoặc nằm xuống lăn qua lăn lại cũng là cách dập lửa hữu hiệu.

Phải hết sức bình tĩnh mới giữ được mạng sống trong đám cháy và nên nhớ con người có thể làm ra tài sản nhưng bao nhiêu tài sản cũng không thể lấy lại mạng sống con người, vì vậy đừng tiếc của lao vào đám cháy lấy đồ.

(Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm