Cháy quán karaoke: Khó thoát thân!

LTS: Ngay sau vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm 13 người chết, thiêu rụi bốn căn nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương siết chặt việc kiểm tra, xử lý các cơ sở, nhà cao tầng… không bảo đảm an toàn PCCC, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh giải trí.

Tại Hà Nội và TP.HCM, nhan nhản các quán karaoke mà khi có cháy, người trong các phòng khó mà thoát!

Vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) ngày 1-11 tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa cháy ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. Chập điện, cháy bảng quảng cáo, cháy do hàn… thành nguyên nhân quen thuộc trong các vụ cháy quán karaoke, vũ trường ở Hà Nội, TP.HCM và hậu quả các vụ cháy này luôn không hề nhỏ.

Vì là ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn và nguy cơ cháy nổ cao nên các điều kiện theo quy định rất nghiêm ngặt, trong đó có quy chuẩn về phòng, chống cháy nổ. Tuy nhiên, vi phạm về PCCC vẫn như “cơm bữa” tại các quán karaoke.

Bảng quảng cáo “nhốt” cả mặt tiền hai quán karaoke trên đường Nguyễn Khang ở Hà Nội. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bị “nhốt” trong biển quảng cáo

Trên địa bàn TP Hà Nội, người dân dễ dàng bắt gặp những quán karaoke “đeo” bên mình những tấm bảng quảng cáo “khủng”, che lấp các lối thoát nạn, ban công... Nhiều quán nằm sâu trong các ngõ nhỏ, lẫn trong khu dân cư mà khi gặp sự cố cháy nổ, cảnh sát không dễ tiếp cận.

Chỉ riêng ở quận Cầu Giấy có 88 cơ sở kinh doanh karaoke thì có đến 11 quán “chui” hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, quận đã xử phạt 47 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu là hoạt động không đúng nội dung, hoạt động nhiều phòng so với giấy phép, lối thoát nạn, hệ thống điện, báo cháy, duy tu… không đảm bảo.

Trên các tuyến phố “thủ phủ” karaoke ở Hà Nội như Trần Thái Tông, Nguyễn Khang, Quan Hoa, Trần Cung…, không khó bắt gặp các bảng quảng cáo điện tử “khủng” che kín toàn bộ tòa nhà. Nhìn bên ngoài không thể phân biệt quán có bao nhiêu tầng vì vô số đèn LED, biểu tượng trên các bảng quảng cáo làm bằng vật liệu dễ cháy.

Tại TP.HCM, các quán karaoke trên đường Bình Giã (quận Tân Bình) cũng tận dụng tối đa mặt tiền để quảng cáo. Các tiệm như HTh, BL, NQ,… đều có thiết kế na ná: Bảng quảng cáo khổ lớn bít toàn bộ bên ngoài, căn nhà hình ống chỉ có một lối thoát là cầu thang ra phía trước, phía sau bít bùng, không có cầu thang thoát hiểm khi cháy nổ.

Trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài thuộc phường 12, quận 10 có rất nhiều quán karaoke và điểm chung của các quán này cũng là bảng quảng cáo kiên cố che kín toàn bộ mặt tiền từ lầu một đến tầng trên cùng…

Hành lang quán karaoke trên đường Bình Giã, quận Tân Bình, TP.HCM như mê cung nhưng không có biển hướng dẫnkhi thoát nạn. Ảnh: N.TÂN

Tù mù khi vào trong

Bước vào quán karaoke UNh ở đường Bình Giã, quận Tân Bình (TP.HCM), chúng tôi men theo lối đi 1 m đến phòng khoảng 10 m2 thì không thấy hệ thống báo cháy ở đâu. Tại cầu thang và các tầng có đặt vài bình cứu hỏa mini nhưng khá cũ ở góc tường.

Còn quán karaoke E. ở đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10, TP.HCM), người quản lý đưa chúng tôi qua nhiều lối đi chừng 1 m như một mê cung đến các phòng mà khi cháy, khách không biết chọn đường nào giữa 2-3 lối đi. Tường được dán giấy trang trí nhưng nhiều chỗ đã bong tróc, nhiều chỗ trông thấy cả hệ thống dây điện.

Bên trong phòng hát, tường được cách âm bằng mút xốp, hệ thống đèn nháy theo hiệu ứng nhạc và các góc tường có các bình cứu hỏa mini.

Ở Hà Nội, vi phạm về PCCC cũng nhan nhản trong các quán.

Tại một quán karaoke trên đường Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cơ sở ba tầng này có trên 10 phòng hát. Ốp tường là các vật liệu dễ cháy như xốp, vải và các vật liệu toàn đồ “thân thiện với lửa”.

Hầu hết các quán karaoke mà chúng tôi rảo qua đều có hành lang hẹp, tối, zíc zắc nhưng không hề có bảng chỉ dẫn lối lên xuống cầu thang để thoát hiểm khi có sự cố. Có nhiều quán không hề có bảng nội quy, hướng dẫn PCCC. Trong trường hợp xảy ra sự cố, người trong các phòng muốn tìm lối thoát hiểm gần như không thể.

Nhân viên không biết sử dụng bình cứu hỏa

Đa phần các quán karaoke tại Hà Nội và TP.HCM là nhà ở chuyển công năng, thường chật hẹp và nhiều tầng. Cùng với đó, thiết kế dạng nhà ống, lối thoát nạn không được thiết kế đúng tiêu chuẩn cũng là những yếu tố khiến hậu quả nặng nề hơn nếu sự cố xảy ra.

Vì là nhà ở cải tạo thành quán karaoke nên không đảm bảo lối thoát nạn. Chủ quán không trang bị thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn… dẫn tới không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa, gây cháy lan và cháy lớn.

Chưa hết, nhân viên các quán không hề biết kỹ năng chữa cháy, hướng dẫn khi có hỏa hoạn. “Mình nộp hồ sơ, quản lý thấy nhanh nhẹn là nhận. Làm việc gần một năm nhưng chưa thấy quản lý đề cập gì đến PCCC bao giờ, thú thiệt là mình chưa biết sử dụng bình cứu hỏa như thế nào chứ nói gì đến chuyện chữa cháy” - L., nhân viên một quán karaoke tại đường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho hay.

Đặc trưng của các quán karaoke là cách âm, ngăn tiếng ồn ra bên ngoài nên các phòng rất kín, giống một “cái hầm” riêng. Những “cái hầm” này bị nhốt trong các bảng quảng cáo nên không có thông gió, khi xảy ra cháy nổ sẽ tụ khói gây ngạt cho người bên trong và khó khăn cho việc cứu hộ, chữa cháy từ bên ngoài. Chủ quán sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao su, phông rèm mà khi bén lửa thì lan rất nhanh càng làm người bên trong khó thoát.

Theo thống kê, trong đợt kiểm tra một số quán karaoke trên địa bàn Hà Nội, tất cả quán bị kiểm tra đều chỉ có một cửa ra vào tại các phòng và không có lối thoát nạn. Còn tại TP.HCM chưa có thống kê chính thức nhưng tình hình cũng không khá hơn.

Các vụ cháy quán karaoke, vũ trường kinh hoàng

• Chiều 12-10, quán karaoke Cosy ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang bốc cháy, thiêu rụi hơn 30 phòng hát cùng toàn bộ tài sản bên trong.

• Ngày 22-9, quán karaoke Sao tám tầng ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng bốc cháy ngùn ngụt. May mắn là khi cháy quán không có người.

• Ngày 17-9, quán karaoke tám tầng ở phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) bùng cháy. Lửa xuất phát từ bảng quảng cáo trên tầng hai, sau đó lan rộng ra tám tầng của quán. May mắn là vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu hủy căn nhà. Quán karaoke này chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về PCCC.

• Rạng sáng 7-5, quán karaoke Cường Phát nằm trên đường Trần Quang Diệu, TP Quảng Ngãi phát hỏa. Cảnh sát phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ mới dập được đám cháy. May mắn là hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng “bà hỏa” thiêu rụi bảy phòng hát cùng nhiều vật dụng bên trong, ước tính thiệt hại hơn 3 tỉ đồng.

• Tối 30-12-2014, quán karaoke New (180 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM) phát hỏa rồi lan nhanh sang quán karaoke Idol và hai căn nhà liền kề. Đám cháy đã phá hủy bốn căn nhà, làm cháy sém bốn căn khác khiến một người tử vong và 72 xe máy bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện bảng quảng cáo của quán karaoke New.

• Trưa 3-5-2014, quán karaoke Nhật Thực trên phố Giảng Võ (Hà Nội) phát hỏa từ tầng một rồi nhanh chóng lan sang các tầng trên khiến hai nạn nhân tử vong tại tầng hai và ba nạn nhân tử vong tại tầng ba.

Vụ cháy xảy ra vào buổi trưa, quán karaoke vắng khách, chỉ có các nhân viên đang nghỉ tại các phòng phía trên. Phát hiện cháy, một số nhân viên đã trèo sang nhà bên cạnh thoát hiểm nhưng vẫn còn năm người bị kẹt lại trong nhà. Quán karaoke này có dạng nhà ống, không có lối thoát hiểm. Vụ cháy do chập điện…

Xa hơn nữa, người dân không quên được vụ cháy kinh hoàng ở vũ trường Blue trong tòa nhà ITC vào chiều 29-10-2002. Hậu quả vụ cháy làm 60 người chết, 70 người bị thương, thiêu rụi toàn bộ hàng hóa trị giá hàng chục tỉ đồng bên trong trung tâm thương mại này. Nguyên nhân vụ cháy là do thợ hàn gây ra khi gắn các bulon định vị trên tầng nhà, làm văng tàn lửa ra các tấm xốp cách âm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm