Mỹ là quốc gia có tỉ lệ chết vì hỏa hoạn cao nhất trong nhóm các quốc gia công nghiệp hóa. Để hạn chế nhất có thể các rủi ro hỏa hoạn, luật pháp Mỹ tìm cách loại trừ các nguy cơ cháy nổ ngay từ khâu vật liệu và thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc.
Cụ thể, Cơ quan Chữa cháy Quốc gia (USFA) được phối hợp cố vấn loại bỏ các vật liệu dễ cháy nổ cho các ủy ban chuyên trách về an toàn người tiêu dùng, Bộ Thương mại, Viện Y tế Quốc gia và Cục Tiêu chuẩn Quốc gia. USFA cũng đẩy mạnh vận động các cơ sở đào tạo kiến trúc sư cung cấp thêm kiến thức về phòng, chống cháy nổ cho học viên.
Dày đặc lính cứu hỏa
Hiệp hội Phòng chống cháy Quốc gia Mỹ (NFPA) ước tính 70% số lượng lính cứu hỏa chuyên nghiệp được phân bổ bảo vệ các cộng đồng dân cư có hơn 25.000 người sinh sống. Trong khi đến 95% lính cứu hỏa tình nguyện sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ các cộng đồng ít hơn 25.000 người sinh sống và chủ yếu là những khu vực ít hơn 2.500 dân. Bên cạnh đó, Mỹ còn cho phép thành lập các đơn vị cứu hỏa tư nhân đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn về nghiệp vụ. Các đơn vị cứu hỏa được điều động khẩn cấp từ cùng một tổng đài chuyên trách các tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (tổng đài 911) hoặc qua thông báo trực tiếp của các lực lượng chức năng địa phương. Một số đơn vị cứu hỏa còn bao gồm cả đơn vị chuyên viên y tế khẩn cấp, có thể là êkíp được thành lập riêng hoặc chính là lính cứu hỏa được đào tạo thêm nghiệp vụ cấp cứu khẩn cấp.
Trên toàn nước Mỹ hiện có hơn 27.000 sở cứu hỏa và hơn 58.000 trạm cứu hỏa, bao gồm sự phục vụ của cả lính cứu hỏa chuyên nghiệp lẫn tình nguyện. Theo số liệu của Hiệp hội Phòng chống cháy Quốc gia Mỹ (NFPA), tính đến năm 2014 nước Mỹ có hơn 1,13 triệu lính cứu hỏa. Trong đó chỉ có gần 31% là lính cứu hỏa chuyên nghiệp, còn đến 69% là lính cứu hỏa tình nguyện. Tuy nhiên, đạo luật năm 1974 đã quy định nhân viên cứu hỏa của các bang, cả chuyên nghiệp lẫn tình nguyện, đều phải qua được các khóa huấn luyện chuyên dụng về phòng chống và kiểm soát cháy nổ tại học viện cứu hỏa. Chương trình đào tạo này được xây dựng chủ đạo từ Học viện Cứu hỏa Quốc gia tại Emmitsburg, thuộc Trung tâm Huấn luyện khẩn cấp quốc gia, nằm dưới quyền quản lý của USFA.
Các chương trình giáo dục về phòng, chống hỏa hoạn được đẩy mạnh tại Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Tiêu tốn số tiền khổng lồ
Nước Mỹ đã tiêu tốn số tiền khổng lồ để thực hiện được chiến dịch PCCC vô cùng quy mô của mình. Theo báo cáo tháng 3-2015 do cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ thực hiện, USFA trong các năm 2014 và 2015 đã được đầu tư đến 44 triệu USD mỗi năm. Khoản ngân sách khổng lồ này được chi cho các hoạt động như:
- Tập hợp và phân tích dữ liệu về cháy toàn quốc, đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các vùng và nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống cháy, phối hợp cùng các cơ sở cứu hỏa, báo đài, các cơ quan cấp liên bang và các nhóm xã hội dân sự.
- Học viện Cứu hỏa Quốc gia nhận đến gần 30% ngân sách, xây dựng chương trình đào tạo phòng chống cháy và cứu hỏa cho lính cứu hỏa chuyên nghiệp và tình nguyện trên toàn quốc.
USFA cũng chia ngân sách hằng năm cho các hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm và đánh giá công nghệ hỗ trợ phát hiện, khống chế các đám cháy, cũng như phát triển các thiết bị giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của lính cứu hỏa và lực lượng cứu hộ. Các kết quả nghiên cứu được công bố công khai miễn phí cho mọi người, thông qua trung tâm phát hành của USFA. Các đột phá công nghệ đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác cứu hộ. Các thiết bị nhìn tầm nhiệt giúp tăng khả năng tìm kiếm nạn nhân trong môi trường khói dày đặc. Những nghiên cứu về chất liệu vải chống nhiệt giúp tăng sức chịu đựng và khả năng sống sót của lính cứu hỏa cũng như nạn nhân.
Cảnh tỉnh “nước Mỹ đang bùng cháy” từ năm 1973 Năm 1973, Richard E. Bland, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống và kiểm soát cháy Quốc gia của Quốc hội Mỹ, đã gửi đến Nhà Trắng một bản báo cáo về hậu quả đáng báo động của các vụ hỏa hoạn đối với kinh tế-xã hội Mỹ. Sau hai năm nghiên cứu, bản báo cáo chỉ ra rằng mỗi năm nước Mỹ tiêu tốn đến 11 tỉ USD nguồn lực vì các vụ hỏa hoạn. Có đến 12.000 người thiệt mạng vì hỏa hoạn và hàng chục ngàn người khác bị tổn thương về tinh thần và thể xác vì các thảm họa này. Theo bản báo cáo chấn động mang tên “America Burning” (tạm dịch: Nước Mỹ đang bùng cháy), ước tính cứ mỗi giờ đồng hồ nước Mỹ lại đứng trước nguy cơ xảy ra khoảng 300 vụ cháy, có khả năng gây thiệt hại lên đến gần 300.000 USD, đe dọa ít nhất một người chết và 34 người thương tật hoặc biến dạng vì hỏa hoạn. Các con số này trong bản báo cáo đã được điều chỉnh và cập nhật vào năm 1989. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại mà các vụ hỏa hoạn gây ra cho nước Mỹ hằng năm vẫn là vô cùng lớn. Với bức tranh toàn cảnh hãi hùng được hiện ra trước mắt, bản báo cáo “Nước Mỹ đang bùng cháy” đã đưa vấn đề phòng chống và kiểm soát cháy nổ thành vấn đề cấp thiết tầm quốc gia tại Mỹ. Bản báo cáo đòi hỏi giới lãnh đạo Mỹ cần nhanh chóng đưa ra một chiến lược PCCC toàn diện về mọi mặt và chặt chẽ từ cấp liên bang đến cấp địa phương. Cũng chính từ bản báo cáo này, Tổng thống Mỹ Gerald Ford vào năm 1974 đã ký quyết định thành lập Cơ quan Phòng chống và kiểm soát cháy Quốc gia, nay đã đổi tên thành Cơ quan Chữa cháy Quốc gia (USFA). Cùng với đó, Mỹ cho thông qua Đạo luật Phòng chống và kiểm soát cháy liên bang, quản lý một phạm vi rộng nhiều yếu tố và ngành nghề có khả năng gây cháy hoặc tác động đến hoạt động chữa cháy. Đạo luật năm 1974 cũng tiên phong gỡ bỏ rào cản về trách nhiệm những người tình nguyện hỗ trợ công tác cứu hỏa có thể gặp phải. Cụ thể, đạo luật quy định rằng: “Những ai đóng góp thiết bị chữa cháy hoặc cứu hộ cho một đơn vị cứu hỏa tình nguyện sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý, cả cấp bang lẫn liên bang, đối với các thiệt hại dân sự gây thương tích hoặc thiệt mạng về người, hư hỏng hay mất mát tài sản gây ra bởi thiết bị mà mình đã đóng góp”. Chỉ trừ trường hợp phát hiện người đóng góp cố ý cung cấp vật liệu không đảm bảo chất lượng yêu cầu cho công tác cứu hỏa, mọi trách nhiệm pháp lý đều được cân nhắc miễn trừ. |