TP.HCM nên 'chiêu hiền đãi sĩ' với kiều bào

Chiều 12-11, tại phiên chuyên đề Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM” trong khuôn khổ hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm 2016, các đại biểu kiều bào đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng TP.HCM phát triển bền vững.

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ, Việt kiều Canada, hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cho rằng nhiều năm qua vì chúng ta không có chiến lược rõ rệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nên hệ quả của nó là chất lượng nguồn nhân lực (các chuyên gia, kỹ sư có tay nghề cao) trong cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều hạn chế.

“Sự thông minh và khả năng thích ứng của giới trẻ Việt Nam là điểm mạnh không ai phủ nhận. Nhưng để xây dựng và phát triển TP.HCM như kỳ vọng của người dân và lãnh đạo TP thì các yếu tố tích cực này cần thực sự phát huy” – ông Tuệ nói.

Các đại biểu kiều bào phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: HTD

Lý giải về sự đóng góp của trí thức, chuyên gia Việt kiều còn hạn chế so với tiềm năng, ông Tuệ cho rằng những chuyên gia Việt kiều làm việc ở nước ngoài được sống trong một môi trường điều kiện công tác đầy đủ, tư duy không bị ràng buộc nên thường khó thích ứng với xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, các trí thức Việt kiều vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương Việt nam, đây chính là thành phần mà TP nên quan tâm nhiều hơn nữa. “TP.HCM nên triển khai một số chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” như cách làm của Hàn Quốc, Singapore... là dành cho chuyên gia Việt kiều một số quyền lợi cao hơn bình thường, đặc biệt là tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để họ có thể phát huy cao nhất khả năng và đóng góp của mình” - ông Tuệ nói.

Ông Tuệ cho biết ở Hàn Quốc, các nhà khoa học trở về từ nước ngoài thường được hưởng lương bổng gần giống như lúc họ còn sống ở nước ngoài, được ưu đãi trong ngân sách nghiên cứu cũng như trong điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Ở Singapore, giảng viên đại học được đối xử hoàn toàn giống như ở các nước phát triển. “Đối với TP.HCM, chúng ta không có những điều kiện tương đương nên không thể áp dụng những chính sách này một cách đại trà như các nước phát triển. Tuy nhiên, TP vẫn có thể dành những điều kiện này cho những chuyên gia mà TP đánh giá là cần thiết trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển của mình” - ông Tuệ nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, GS Nguyễn Đức Khương - kiều bào Pháp - hiện đang là trưởng khoa Kinh tế tài chính Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia tại Pháp (AVSE), cho rằng TP.HCM có thể đạt được mục tiêu thành phố bền vững thông qua việc tạo lập các cơ chế để huy động tất cả chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực con người và vận dụng triệt để kinh tế tri thức.

“Một cơ chế tự chủ cho các chủ thể kinh tế trong việc sử dụng và đãi ngộ chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu sẽ là một đột phá trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Khương nói.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới quy tụ 500 kiều bào về hiến kế xây dựng TP.HCM phát triển, hội nhập.

Ông khuyến nghị TP.HCM cần tích cực đầu tư phát triển môi trường với một định hướng ổn định, trong đó các nguồn chất thải trong vòng 10 năm phải được xử lý 100%. TP.HCM cần xử lý các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt. Bởi không riêng gì TP.HCM mà ở thủ đô Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng từ mọi nguồn chất thải. Sự cố cá chết ở Hồ Tây hay ở kênh Nhiêu Lộc vừa qua là những biểu hiện báo động.

“Môi trường phải là viên gạch đầu tiên trong bất cứ công trình xây dựng nào. Cấu trúc hạ tầng về môi trường phải được quy hoạch, xây dựng và giám sát đúng chuẩn định trước khi được phép triển khai xây cốt” - ông Phước nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm