Đây là nội dung trong buổi Hội thảo về phương án xe buýt điện cho tuyến BRT số 1, dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM do Sở GTVT TP.HCM tổ chức sáng 8-6.
Các chuyên gia cho rằng hiện tại xe buýt điện đang là phương án rất khả thi. Ảnh: ĐT. |
Ông Shige Sakaki, chuyên gia điều phối chương trình giao thông tại Việt Nam (Ngân hàng Thế giới) cho biết dự án BRT số 1 lúc đầu dự kiến sử dụng xe buýt CNG để hoạt động trên tuyến. Tuy nhiên, hiện tại xe buýt điện đang là phương án rất khả thi.
Theo ông Shige Sakaki, xe buýt điện là phương tiện rất hấp dẫn với người dân và phương án này cũng có thể sử dụng cho BRT.
Hiện nhiều TP trên thế giới đang thí điểm hoặc đã đưa vào sử dụng xe buýt điện. Tuy vậy, việc lựa chọn phương án xe buýt điện cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc. Vì các chuyên gia cũng không dám chắc đây có phải là công nghệ chính trong 5 – 10 năm tới hay không.
Trong hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết TP có đề án phát triển giao thông công cộng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu là phát triển bền vững, ưu tiên hướng tới sử dụng phương tiện và năng lượng sạch - năng lượng tái tạo.
Hội thảo về phương án xe buýt điện cho tuyến BRT số 1. Ảnh: CTV. |
TP.HCM cũng đã phát triển xe buýt CNG trong khoảng 10 năm qua và hiện chiếm khoảng 20% số lượng xe buýt. Theo đó, việc cần lựa chọn phương tiện cho tuyến BRT nói riêng cũng như xe buýt của TP nói chung trong thời gian tới rất cần thiết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ chuyên môn về công nghệ xe buýt điện và các thông tin chuyên sâu cho việc lựa chọn giữa xe buýt CNG và xe buýt điện.
Các chuyên gia cũng phân tích những ảnh hưởng khác nhau giữa xe buýt điện và xe buýt CNG về nhiều mặt như: lượng phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí, chi phí đầu tư và vận hành, kế hoạch khai thác BRT…
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có sáu tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó tuyến BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai.
Theo quy hoạch ban đầu, tuyến BRT số 1 được sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG).
Thời gian gần đây, TP.HCM và các tổ chức cũng đã quan tâm nhiều hơn về việc phát triển xe điện. Các chuyên gia cũng nhận định phát triển xe điện là một xu hướng không thể cưỡng lại được.
Theo đó, nhiều tổ chức cũng đưa ra lộ trình sử dụng phát triển xe điện, hạn chế xe sử dụng động cơ đốt trong. Theo đó, xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân và ngưng cấp phép cho các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.
Hành lang kéo dài từ An Lạc (quận Bình Tân) đến Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) - là một phần trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông công cộng của thành phố đến năm 2025.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.