TP.HCM: Nhu cầu vay vốn ngân hàng đã 'nóng' hơn

(PLO)- Theo số liệu mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM vừa công bố, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn đã tăng 1,31% và tăng 9,33% so với cùng kỳ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Chiều nay 15-5, cập nhật số liệu về tình hình tăng trưởng tín dụng tại địa bàn thành phố, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Tính riêng tháng 4 vừa qua, trên địa bàn TP.HCM, tín dụng tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cuối năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn đã tăng 1,31% và tăng 9,33% so với cùng kỳ.

Đây là mức tăng trưởng tương ứng và gần bằng cùng kỳ này các năm 2020 và năm 2023, nhưng thấp hơn các năm 2019, 2021 và năm 2022.

tín dụng ngân hàng tăng
Nhu cầu vay vốn ngân hàng đã tăng trở lại. Ảnh minh hoạ

Ông Lệnh cho biết thêm: “Tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn duy trì xu hướng tăng. Sau khi giảm vào tháng 1, tín dụng đã phục hồi trở lại và duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong các tháng sau đó.

Cụ thể, tháng 2 tín dụng tăng 0,01%; tháng 3 tăng 1,9% và tháng 4 tăng 0,35%. Như vậy, 4 tháng đầu năm tín dụng trên địa bàn tăng 1,31% và tăng 9,33% so với cùng kỳ.

Chính sách tín dụng và lãi suất đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về chi phí tài chính và kích thích doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó tín dụng trung dài hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng ngắn hạn, tăng 1,96% trong 4 tháng đầu năm, trong khi đó tín dụng ngắn hạn tăng 0,6%”.

Được biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 40.568 khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu đạt 46.793 tỉ đồng, giải ngân gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản với doanh số đạt 2.521 tỉ đồng cho 1.639 khách hàng trên địa bàn.

Đối với chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại thành phố (gồm giải ngân gói tín dụng ưu đãi và ký kết trực tiếp tại hội nghị) đạt 184.135 tỉ đồng cho 43.171 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn.

Qua đó tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp về giảm lãi suất cho vay; về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp; tăng hạn mức tín dụng và cho vay mới với lãi suất thấp… giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Riêng về chương trình cho vay các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn đến nay đạt 222.198 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn). Trong khi đó, cho vay bình ổn thị trường đạt 3.631 tỉ đồng, góp phần quan trọng vào bình ổn thị trường, giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm