Ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa dây thông tin là chủ trương được UBND TP.HCM phê duyệt và giao cho Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cùng Công ty Điện lực Sài Gòn triển khai thực hiện từ năm 2009.
Qua thời những cột đèn “mạng nhện”
Trước đây, những cột đèn “mạng nhện” là nguyên nhân của các cuộc tranh cãi kéo dài về việc thu phí treo cột giữa ngành điện và các doanh nghiệp viễn thông. Nhằm khắc phục tình trạng này, EVN HCMC đã lên kế hoạch triển khai chương trình chỉnh trang dây cáp thông tin treo trên trụ điện và ngầm hóa lưới điện, tiến tới ngầm hóa toàn bộ lưới điện TP. Mục đích chính của công trình ngầm hóa là cải thiện cảnh quan đô thị ở khu vực trung tâm, đồng thời cải thiện tình hình giao thông, đi lại của người dân trong khu vực.
Theo lãnh đạo EVN HCMC, đến năm 2015 ngành điện TP đã tập trung ngầm hóa lưới điện trung thế, hạ thế trên các tuyến đường và các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch của khu vực trung tâm TP gồm quận 1 và quận 3. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho toàn khu vực nội thành; đối với các quận, huyện còn lại sẽ thực hiện ngầm hóa tại các khu vực trung tâm hành chính, thương mại. Đến năm 2025, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi toàn TP.
Đại diện EVN HCNC cũng cho biết trong quá trình thực hiện ngầm hóa lưới điện sẽ kết hợp ngầm hóa đường dây thông tin. EVN HCMC và các đơn vị liên quan đã xây dựng quy chế phối hợp và tổ chức đấu thầu, lựa chọn một nhà thầu thi công tái lập mương cáp và nhà thầu tư vấn giám sát ngầm hóa lưới điện và đường dây thông tin. Nhờ sự phối hợp đồng bộ và thống nhất này đã tránh được tình trạng đào đường nhiều lần, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.
Các công nhân điện đang thi công ngầm hóa lưới điện TP. Ảnh: HỒNG TRÂM
Sẽ thu nhỏ kích thước các tủ điện
Vị đại diện EVN HCMC cũng cho biết trong quá trình các dự án ngầm hóa lưới điện, đơn vị gặp nhiều tình huống khó khăn, phức tạp như thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng... còn kéo dài; nguyên nhân một phần do vỉa hè của một số tuyến đường khá chật hẹp, không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị sau ngầm hóa. Việc phối hợp hạ ngầm dây thông tin của hàng chục đơn vị doanh nghiệp viễn thông vẫn còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi trụ điện sau ngầm hóa của đơn vị.
Ngoài ra, việc xã hội hóa đầu tư mương cáp điện mặc dù đã có những tác dụng nhất định nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao. EVN HCMC đã kiến nghị Sở Công Thương TP nghiên cứu, đề xuất trình UBND TP cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng ngầm để cho thuê lắp đặt cáp ngầm điện và viễn thông. Một khó khăn đáng kể nữa là tâm lý người dân không muốn lắp đặt các tủ điện, thiết bị điện tại vỉa hè trước nhà mình. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, bố trí lại các trạm điện, thiết bị đóng cắt, các hộp phân phối dây mắc điện, hộp đấu nối dây thông tin. Đặc biệt, đầu năm 2017, một số tủ điện đặt trên vỉa hè bị người dân phản ánh là đặt ở vị trí gây ảnh hưởng sinh hoạt của họ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện EVN HCMC cho biết giải pháp sắp tới là sẽ cố gắng nghiên cứu thu nhỏ diện tích, kích thước của các tủ điện. Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết di dời các tủ điện đặt ở vị trí chưa hợp lý, gây ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.
Đã ngầm hóa hơn 100 km lưới điện Đến hiện tại, quá trình ngầm hóa lưới điện đã đạt được nhiều thành quả khả quan với khối lượng công việc rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, Công ty Điện lực Sài Gòn đã thực hiện: Ngầm hóa 42 km lưới điện trung thế và 67 km lưới điện hạ thế trên 14 tuyến đường trung tâm. Khối lượng ngầm hóa tập trung chủ yếu vào hai phường trung tâm TP là Bến Nghé, Bến Thành và một số tuyến đường thuộc các phường Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho và Đa kao. Đã có 13 tuyến đường ngầm hóa lưới điện bao gồm: Pasteur, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng (từ Hàm Nghi đến Ngô Văn Năm), Lê Thánh Tôn (đã ngầm hóa lưới điện hạ thế), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Hàm Nghi. Trong năm 2016 đã có bảy công trình thi công được hoàn tất. Cụ thể: Ngầm hóa lưới điện trung hạ thế xung quanh Công viên 23-9; ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường giao cắt đường Lê Duẩn (tại các giao lộ với các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Bình, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm); ngầm hóa lưới điện đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ đường Hai Bà Trưng đến Đinh Tiên Hoàng); ngầm hóa các tuyến đường bên trong ô phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gồm các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, Hồ Tùng Mậu, Hải Triều, Ngô Đức Kế)... và còn nhiều tuyến đường khác. ___________________________ Công ty Điện lực Sài Gòn kiến nghị UBND quận 1 chấp nhận cho công ty tham gia với các nhóm công tác của quận, phường để kịp thời xử lý, chỉnh trang các địa điểm đặt các thiết bị điện chưa hợp lý khi ngầm hóa. Đơn vị này còn kiến nghị quận 1 xem xét, kiện toàn tổ công tác phối hợp với công ty để giải quyết vấn đề hướng tuyến, vị trí đặt tủ điện, cấp phép đào đường cũng như giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân. |