“Tính chung năm năm qua, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn là 5%. Với con số hồ sơ mà TP phải giải quyết là 14,5 triệu mỗi năm thì tương đương với 725.000 hồ sơ trễ hạn”. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết như trên khi thảo luận tại hội trường về tờ trình chương trình cải cách hành chính “nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP.HCM” tại kỳ họp thứ bảy HĐND TP.HCM chiều 15-3.
Phải tuyên chiến với “phí không chính thức”
Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng mặc dù năm qua TP.HCM có chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn nhiều tồn tại như hồ sơ trễ hạn, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu... cần chấn chỉnh kịp thời.
ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho rằng một số nơi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính sợ trách nhiệm, còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) và chưa tận tâm tận lực phục vụ nhân dân. Theo ông Đạt, đây chính là mấu chốt khiến người dân và DN không hài lòng. Do đó, trong thời gian tới phải giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, uốn nắn kịp thời những bức xúc của người dân.
ĐB Phạm Hiếu Nghĩa (quận 11) chia sẻ về một vụ việc cụ thể, đó là có người dân khi đến làm thủ tục hành chính phải mất nhiều thời gian để hỏi về các loại thủ tục, khi không biết hỏi đâu lại tìm đến “cò”. Từ đó ông Nghĩa cho rằng thủ tục hành chính càng đơn giản càng tốt, đó là mong muốn của người dân và DN.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đang nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: LÊ THOA
ĐB Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) cho rằng TP.HCM nên chọn nội dung “phí không chính thức” mà DN hay kêu ca để làm thí điểm, khảo sát sự hài lòng.
“Để làm điều này cần phải khảo sát có bao nhiêu DN và họ đã chi phí không chính thức cho một hồ sơ là bao nhiêu. Từ con số phí không chính thức, ta sẽ đánh giá nó ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến DN, từ đó có giải pháp để chấn chỉnh” - bà Châu nói và cho rằng TP.HCM nên tuyên chiến với loại phí này.
Khảo sát sự hài lòng của dân để thấy sai mà sửa
Giải trình thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết năm 2017 là năm TP làm tốt nhất trong vấn đề cải cách hành chính, hồ sơ đúng hạn đạt hơn 99%, chỉ có 0,35% số hồ sơ trễ hạn.
“Nhưng tính chung năm năm qua thì tỉ lệ hồ sơ trễ hạn là 5%, tương đương với 725.000 hồ sơ trễ hạn” - ông Tuyến nói và cho biết sở dĩ trễ hạn do có những hồ sơ quá khó, phức tạp chưa thể giải quyết được. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết ở TP.HCM quá lớn, một ngày có cán bộ giải quyết 100 hồ sơ.
Ông Tuyến cho biết thêm, một thực tế cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nghiệp vụ còn yếu, hướng dẫn nhiệt tình nhưng bà con không hiểu. “10 năm trước, cán bộ nào làm không tốt, không giỏi thì đưa vào khâu tiếp dân. Còn bây giờ những cán bộ nào có nghiệp vụ mới đưa ra tiếp dân, xử lý hồ sơ mỗi ngày. Đây là vấn đề nhỏ nhưng nếu không thay đổi sẽ gây phản cảm cho người dân” - ông Tuyến nói.
Về con số khảo sát tỉ lệ sự hài lòng đạt mức trên 80%, ông Tuyến cho biết thực tế lãnh đạo TP chưa bao giờ hài lòng với kết quả cải cách hành chính. TP luôn đặt ra việc khảo sát nhằm làm thế nào thấy được cái sai để sửa.
Tại kỳ họp, các ĐB HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua nghị quyết về chương trình cải cách hành chính “nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP”.
Cụ thể, HĐND TP giao UBND TP xây dựng nền hành chính TP.HCM dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ. Bên cạnh đó, HĐND cũng giao UBND TP phấn đấu mức độ hài lòng của người dân và DN về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%. Phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực đều đạt trên 90%.
Ngoài ra, HĐND cũng yêu cầu UBND TP thực hiện nghiêm quy định gửi thư xin lỗi đối với những hồ sơ trễ hạn, thể hiện trách nhiệm, thái độ cầu thị của chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý sau thanh tra, kiểm tra.
Đừng tạo rào cản trong thu hút nhân tài Tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã trình đề án về chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban ngành, các khu công nghệ cao và đề án về thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc bộ phận quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý. Ở đề án đầu, TP.HCM dự kiến thiết kế hàng loạt chính sách ưu đãi về tài chính và nhiều chế độ khác nhằm chiêu mộ nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại các ngành công nghiệp mũi nhọn của TP như cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược-cao su, chế biến và các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ, tài chính ngân hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, giáo dục, y tế... Các ĐB cho rằng cùng với chính sách về tiền lương, TP cần phải tạo cơ chế cho các chuyên gia có thể hoạt động một cách hiệu quả. Đặc biệt trong nhiều lĩnh vực rất mới như công nghệ nano, năng lượng tái tạo, không gian ngầm… ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng chính sách thu hút là một phần rất nhỏ mà quan trọng hơn là việc “lưu giữ và sử dụng” nhân tài. Vì vậy, đề án cần có chính sách lưu dụng nhân tài hiệu quả hơn. Ở đề án còn lại, các ĐB cho rằng vấn đề lớn để việc tăng thu nhập không cào bằng và thực chất chính là khâu đánh giá cán bộ. |