TP.HCM sẽ dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học đến THPT

Đó là một trong những nội dung đề án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học được Sở GD&ĐT TP tổ chức lấy ý kiến sáng 31-3.

Theo dự thảo đề án này, HS tiểu học và THCS sẽ được học một tiết/tuần, bài hát và thể loại sẽ tùy theo từng độ tuổi khác nhau. Tiết học này như một hoạt động ngoại khóa, không thay thế chương trình môn Âm nhạc giáo dục phổ thông hiện hành.

Cụ thể ở tiểu học, các em sẽ học về các bài như đồng dao Tập tập vông, bài Xòe hoa thuộc dân ca Thái, Bắc kim thang thuộc dân ca nam bộ, Bạn ơi lắng nghe thuộc dân ca Ba Na.... Ở THCS, các em sẽ học các bài như Đi cấy thuộc dân ca Thanh Hóa, Đi cắt lúa thuộc dân ca HơRê, Lý bánh bò của dân ca Nam bộ.... Bên cạnh đó, các em sẽ được làm quen với các nhạc cụ dân tộc trong quá trình học.

Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh tò mò chơi các nhạc cụ dân tộc tại một ngày hội về âm nhạc.

Riêng ở bậc THPT, theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2018 sẽ lồng âm nhạc dân tộc vào môn âm nhạc để dạy cho HS theo chủ đề tự chọn.

Tại hội nghị góp ý, nhiều nhà giáo cho rằng đây là đề án rất ý nghĩa và cần thiết phải đưa vào nhà trường để HS biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, để đưa vào thực tiễn không phải dễ dàng, đòi hỏi phải có đội ngũ có kiến thức về âm nhạc dân tộc, cơ sở vật chất,.... Cách đưa âm nhạc này vào làm sao để giúp các em nâng cao hiểu biết và cảm thụ dòng nhạc này chứ không nhất thiết các em phải thích và biết chơi các nhạc cụ.

Các đại biểu góp ý Sở nên phối hợp với nhạc viện để đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên. Quan trọng nhất là làm sao để phụ huynh hiểu rõ và đồng thuận về vấn đề này, tránh những phản ứng không hay khi các trường triển khai thực hiện.

Trao đổi tại buổi góp ý, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho rằng sẽ ghi nhận ý kiến của các nhà giáo. Đồng thời sắp tới Sở sẽ tổ chức họp và lấy ý kiến rộng rãi từ các sở, ngành về văn hóa, nhạc viện... để hoàn chỉnh đề án và trình UBND xem xét, phê duyệt mới bắt đầu thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm