Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ thông tin rằng số điểm đen tai nạn giao thông trong quý I-2021 không phát sinh điểm đen mới. Đến nay, số liệu điểm đen tính đến tháng 3-2021 là sáu điểm.
Đối với các điểm ùn tắc giao thông, ông Đường cho biết qua theo dõi 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 3-2021 có bốn điểm có chuyển biến tốt, tám điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và sáu điểm không chuyển biến.
Trong đó, tại khu trung tâm TP (quận 1, 3, 5, 6, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông gồm: Giao lộ Nguyễn Oanh-Phan Văn Trị, Khu vực Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 tháng 2, Ngã sáu Công trường Dân Chủ có chuyển biến tốt trong quý 1-2021 so với quý 4-2020.
TP.HCM có nguy cơ xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông mới. Ảnh: HT.
Khu vực Lý Tự Trọng - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn, giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, vòng xoay Lăng Cha Cả có chuyển biến so với quý 4-2020 nhưng vẫn còn phức tạp.
Khu vực Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt Sỹ), đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý) không có chuyển biến so với quý 4-2020.
Trong đó khu vực trung tâm gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, Pasteur, Võ Thị Sáu, Trần Huy Liệu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm… dòng xe hoàn toàn mất ổn định, tắc xe xảy ra.
Đối với khu vực phía đông TP, các tuyến có nguy cơ ùn tắc giao thông gồm Nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, ngã tư Tây Hòa dù có chuyển biến so với quý 4-2020 nhưng tình trạng giao thông qua các vị trí này vẫn còn phức tạp. Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái) Không có chuyển biến so với quý 4-2020.
Tại khu phía Đông TP, các tuyến đường tại ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái, đường Nguyễn Duy Trinh, là những tuyến đường có mật độ lưu lượng lớn có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.
Tại phía Tây TP, các giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu, ngã Tư Bốn Xã đã có nhiều chuyển biến trong những tháng đầu năm 2021, tình hình giao thông ít ùn tắc hơn quý 4-2020. Trong đó, vòng xoay Phú Lâm, đường Hồng Bàng có mật độ lưu lượng lớn có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.
Tại phía Nam TP: Giao lộ Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh có nhiều chuyển biến trong những tháng đầu năm 2021, tình hình giao thông ít ùn tắc hơn quý 4-2020. Đường Dương Bá Trạc - khu vực cầu Kênh Xáng, Giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh có chuyển biến so với quý 4-2020, tuy nhiên tình trạng giao thông qua các vị trí này vẫn còn phức tạp. Đường Nguyễn Tất Thành không có chuyển biến so với quý 4-2020. Trong đó, cầu Kênh Tẻ, Giao lộ Phạm Hùng – Nguyễn Văn Linh có mật độ lưu lượng lớn có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.
Khu vực phía Bắc TP, nút giao An Sương, đường Tô Ký, nút giao Nguyễn Văn Bứa – Quốc Lộ 22, Quốc Lộ 1 có mật độ lưu lượng lớn có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.
Thực hiện điều khiển đèn tín hiệu giao thông
Ông Đường cho biết, trước thực trên giải pháp đưa ra là tổ chức, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Cụ thể, đối với khu vực các tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm, thông qua dữ liệu quan trắc giao thông, mô hình mô phỏng giao thông TP mức độ phục vụ của đường (LOS) có xu hướng tăng. Từ đó, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng trên các tuyến đường trục chính, hướng tâm để xây dựng và đề xuất.
Theo đó, vào các ngày trong tuần (thứ hai đến thứ sáu), trong khung giờ 7 giờ đến 19 giờ sẽ tăng thời lượng xanh của 2 pha cho các kịch bản làn sóng xanh: tuyến Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, Pastuer, Trương Định, Điện Biên Phủ.
Các ngày cuối tuần (thứ bảy, Chủ nhật) sẽ tiếp tục vận hành theo các kịch bản chu kỳ ngắn cho phép tăng tần suất phục vụ của đèn giao thông cho tất cả các hướng tại các khu vực đường bàn cờ.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị đã bổ sung các kịch bản giải tỏa cho các đường nhánh để có thể nhanh chóng tổ chức điều chỉnh giao thông. Từ đó, giải tỏa các tuyến đường một chiều, cắt ngang các tuyến đường trục hướng tâm khi cần thiết.