Ông Bùi Văn Kha, Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi, cho biết hiện nay các nguồn cung cấp điện càng trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có tiềm năng để phát triển điện mặt trời áp mái (ĐMTAM).
Cụ thể, tại TP.HCM đã có hơn 3.000 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT với tổng công suất gần 40 MWp và tổng điện năng sử dụng dư đã phát lên lưới điện của TP.HCM là 6.03 triệu kWh. Trong khi đó, mục tiêu công suất đạt được trong năm 2019 mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 50 MWp. Riêng huyện Củ Chi hiện nay đã có 145 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất là 2.267 kWp, trong đó điện năng sử dụng dư đã phát lên lưới điện là 185.000 kWh. Trong đó, lượng khách hàng lắp đặt ĐMTAM tăng mạnh từ năm 2019, sau khi có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về chính sách phát triển ĐMT.
Ký kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: ĐÀO TRANG
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm là sau này giá ĐMT có thay đổi hay không và nguồn vốn đầu tư cho hệ thống ĐMTAM này.
Trước những thắc mắc của khách hàng, EVN HCMC và các nhà cung cấp pin đã đưa ra nhiều giải pháp về hỗ trợ tài chính cho khách hàng hiểu và an tâm hơn.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng và thế chấp bằng chính hệ thống ĐMTAM đó mà không cần thế chấp bằng tài sản khác. Thậm chí có đơn vị sẵn sàng đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống ĐMTAM cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, rồi bán lại tất cả sản lượng điện được tạo ra bởi hệ thống đó cho chính doanh nghiệp có mái với giá rẻ hơn 5%-10% so với giá của điện lực và sau một thời gian sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp có mái. Bên cạnh đó, không ít nhà cung cấp còn đưa ra gói bảo hiểm năng lượng điện cho hệ thống ĐMTAM. Từ đó, nếu sản lượng điện thực tế do sụt giảm hơn so với sản lượng điện bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm sẽ bù phần chênh lệch này.
Còn những băn khoăn của các doanh nghiệp do chưa có quy định về giá điện bán lại cho ngành điện sau ngày 30-6-2019, ông Lê Phương Bình, Phó Phòng quản lý năng lượng Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện nay Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên giá là 9,35 cent đối với ĐMTAM. Đối với các dự án lớn trên 1 MWp thì doanh nghiệp cần lập thủ tục trình phê duyệt quy hoạch đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời trong buổi sáng nay, Công ty Điện lực Củ Chi đã ký kết với bốn khu công nghiệp trên địa bàn huyện để cùng phát triển ĐMTAM trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp này.