Trả lại gần 30 tấn phân bón bị tạm giữ cho Công ty Hasa Mặt Trời

(PLO)- Công ty TNHH HaSa Mặt Trời cho biết số phân bón chưa ghi đúng nhãn mác chỉ đưa ra thị trường sử dụng thử nghiệm và chưa buôn bán các sản phẩm trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ liên quan đến vụ cảnh sát khám xét ba điểm sản xuất, mua bán phân bón ở huyện Hàm Tân.

Theo đó, căn cứ quyết định ngày 3-5 của Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân về việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và quyết định ngày 4-6 về việc kéo dài thời hạn tạm giữ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân có quyết định trả lại cho Công ty TNHH Hasa Mặt Trời.

Lý do trả lại là bởi tang vật, phương tiện vi phạm phạm hành chính không thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt tịch thu.

hasa mặt trời
Kho hàng của Công ty Hasa Mặt Trời.

Trước đó, ngày 16-9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận; Công an và UBND huyện Hàm Tân cùng Công ty TNHH Hasa Mặt Trời đã lập biên bản về sự việc.

Cụ thể ngày 3-5, Phòng Cảnh sát kinh tế thực hiện quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở của bà Huỳnh Thị Hương Lan (thành viên góp vốn Công ty) và là trụ sở Công ty TNHH HaSa Mặt Trời cùng nhà kho tập kết phân bón có gắn bảng hiệu HASA Mặt Trời tại 46 Quốc lộ 55, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.

Thời điểm trên, công an còn khám xét chỗ ở của bà Lê Thị Trinh ở thôn An Vinh, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

Xét thấy một số loại hàng hoá có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành chính nên tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ đưa các sản phẩm hàng hoá về kho của Cục quản lý thị trường và kho của Phòng Cảnh sát kinh tế để lưu giữ.

Cụ thể, phân bón hữu cơ Organic 634 bao (loại 40 kg/bao) và phân bón sinh học HUMATE-K (đạm cá hữu cơ Hasa Mặt Trời, số lượng 57 thùng, loại 22 kg/thùng).

Cũng theo biên bản, quá trình xác minh, xử lý, cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH HaSa Mặt Trời có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.

hasa-mat-troi1.jpg
Cảnh sát khám xét Công ty Hasa Mặt trời.

Theo bà Huỳnh Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH HaSa Mặt Trời, số phân nói trên là tang vật vi phạm về hành vi đưa ra thị trường (cho sử dụng thử nghiệm), sản phẩm chưa đúng nhãn mác nhưng công ty chưa thực hiện hành vi buôn bán đối với hai sản phẩm trên.

Công ty xin được nhận lại số tang vật đang bị tạm giữ nêu trên để có điều kiện khắc phục hậu quả (ghi lại nhãn hàng hoá đúng quy định), kinh phí vận chuyển do Công ty chịu trách nhiệm thanh toán.

Công ty TNHH HaSa Mặt Trời cam kết sẽ nhận lại tang vật đúng thời gian, địa điểm theo đề nghị và sớm khắc phục hậu quả theo đúng quy định.

Như PLO đã đưa, ngày 3-5, hơn 50 cảnh sát của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận chia làm ba tổ, đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại ba điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

Được biết, Công ty TNHH Hasa Mặt Trời do bà Huỳnh Thu Hà (34 tuổi, thường trú Đồng Tháp; tạm trú tại Tân Nghĩa) làm Giám đốc; người đại diện theo pháp luật của công ty là Nguyễn Tân Việt (52 tuổi, thường trú An Giang, tạm trú tại Tân Nghĩa).

Qua khám xét, công an đã phát hiện rất nhiều bao phân hữu cơ mang nhãn hiệu Hasa Mặt Trời Organic ghi đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Hasa Mặt Trời theo giấy phép được cấp vào tháng 2-2024.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT Bình Thuận khi đó cho biết chưa nhận được hồ sơ nào của công ty này để được công nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm phân bón trên. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cũng xác định tất cả các loại phân bón trên chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Đối với dịch cá thuỷ phân và dung dịch hoá chất tên gọi “lấy ba tai đầu” để chống thối trái thanh long, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cũng xác định chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm