Như vậy, chỉ được tổ chức đúng hai năm (2015, 2016), kỳ thi tốt nghiệp THPT lại được trả về cho địa phương. Điều đáng nói, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” đã được chuẩn bị khá dài hơi và công phu. Bộ GD&ĐT chính thức lấy ý kiến về đề án kỳ thi này từ năm 2007 và sau rất nhiều lần trì hoãn đến năm 2015 mới chính thức triển khai.
Dù chưa thật hoàn hảo nhưng kỳ thi “2 trong 1” được đánh giá là đổi mới nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực thi cử. Nó giành lấy quyền kiểm soát kỳ thi THPT một cách nhẹ nhàng từ các địa phương mà không gặp phải sự phản ứng nào. Điều này giúp kết quả đỗ tốt nghiệp ở các địa phương được tin cậy hơn. Nó cũng làm cho việc tuyển sinh đại học trở nên nhẹ nhàng hơn khi gộp cả bốn kỳ thi (kỳ thi THPT và ba đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng) thành một, giảm được nhiều tốn kém về thời gian và tiền bạc cho xã hội.
Vậy thì tại sao lại ngưng tổ chức kỳ thi này mà trả về địa phương? Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, vẫn còn ý kiến băn khoăn kỳ thi THPT quốc gia khó có thể đạt cùng lúc hai mục đích một cách trọn vẹn vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là khác nhau.
Xem vậy cái giá phải trả cho việc đổi mới này khá đắt. Vì trước đó đã có nhiều ý kiến cảnh báo về sự không tương thích của kỳ thi “2 trong 1” này. Nhưng đó là thứ “học phí” cần thiết. Có những vấn đề cần phải được làm thận trọng để rút kinh nghiệm vì tính chất quan trọng của nó, liên quan đến cả triệu thí sinh.
Tuy nhiên, liệu “lối cũ ta về” lần này có rập khuôn như kỳ thi THPT 2014? Kỳ thi 2014 và đổ về trước đều do các địa phương tổ chức từ khâu coi thi, chấm thi và tuyên bố kết quả; phía Bộ GD&ĐT chỉ ra đề thi và tổ chức giám sát kỳ thi. Kết quả của các kỳ thi này thường không phản ánh chính xác chất lượng giáo dục tại các địa phương. Có năm tỉ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh miền núi còn cao hơn cả Hà Nội và TP.HCM. Đây chính là lý do Bộ GD&ĐT rút kỳ thi này khỏi các địa phương để lập kỳ thi “2 trong 1”.
Nên nay giao về địa phương dư luận làm sao không khỏi băn khoăn liệu có tái diễn thành tích ảo như cũ? Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định kỳ thi “2 trong 1” vừa qua là “phép thử” đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. “Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy chúng ta có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương” - ông Ga tự tin.Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi việc tổ chức kỳ thi THPT riêng liệu có tái diễn áp lực thi cử, luyện thi và tốn kém cho xã hội như trước đây?
Với phụ huynh, họ không mấy quan tâm việc thay đổi là đúng hay sai mà chỉ làm sao ít có thay đổi vì mỗi lần thử-sai là họ phải trả giá bằng chính tương lai con em mình.