Đầu giờ chiều 6-9, trước khi siêu bão số 3 đổ bộ, trên nhiều tuyến đường của Thủ đô, người dân bắt đầu hối hả, vội vã để đón con, về nhà.
Trong khi đó, tại một xí nghiệp nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố, 100% nhân sự (180 người) của Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội túc trực 24/24h tại tất cả các vị trí công việc.
Nhân lực, vật lực đã sẵn sàng
Ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Giám đốc Xí nghiệp, cho biết ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của TP Hà Nội, từ sáng hôm qua 5-9, công ty đã chỉ đạo xí nghiệp kiểm tra toàn bộ thiết bị, máy móc, hệ thống điện, đảm bảo sẵn sàng hoạt động, ổn định.
Xí nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các vật tư để phòng, chống bão, phòng trường hợp mưa lớn, nước dâng cao, cần phải tổ chức đắp bờ để bảo vệ hệ thống điện và các tổ máy bơm, không để nước tràn lên.
“180 cán bộ, nhân viên của xí nghiệp sẽ trực tại trạm bơm và các vị trí cần thiết, thường xuyên kiểm tra các con sông, thanh thải dòng chảy, đảm bảo nước chảy về nguồn tiêu nhanh nhất”, ông Thái nói, đồng thời cho biết đến nay, tất cả các máy móc, thiết bị, hệ thống đều hoạt động tốt.
Trên thực tế, những thiết bị, máy móc tại trạm bơm Yên Sở được kiểm tra hàng ngày, thường xuyên, và định kỳ được bảo dưỡng, sửa chữa. Do vậy, theo ông Trịnh Ngọc Thái, việc kiểm tra, rà soát này nhằm chắc chắn hơn nữa về khả năng hoạt động ổn định của các thiết bị trước khi đón siêu bão số 3.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống kênh, mương, hồ của thành phố đã được đưa về ở mực nước thấp nhất, theo phê duyệt của Sở Xây dựng TP Hà Nội, để chuẩn bị đón mưa.
Hiện, tại trạm bơm Yên Sở, 2 tổ máy bơm đang vận hành để tiếp tục bơm nước từ các hồ, nhằm hạ xuống mực nước thấp nhất có thể để đón mưa lớn.
Trạm bơm Yên Sở có 20 tổ máy bơm, trong đó có 5 tổ máy bơm (trục đứng) có công suất 3m3/s và 15 tổ máy bơm (trục ngang) với công suất 5m3/s; cùng với đó là 2 kênh dẫn và 5 hồ chứa nước với tổng mức chứa khoảng hơn 4 triệu m3 nước.
Khi mưa xuống, các tổ máy bơm được vận hành để bơm cưỡng bức nước từ hồ chứa đổ ra sông Hồng, với tổng công suất là 90m3/s.
TP Hà Nội có nhiều trạm bơm cục bộ, còn gọi là trạm bơm chuyển bậc, để đẩy nước từ các hồ ra sông trong thành phố. Tuy nhiên, để đẩy nước ra sông Hồng, chỉ duy nhất trạm bơm Yên Sở.
Không lơ là dù chỉ một phút
Trong cơn bão số 2 vừa qua, trạm bơm Yên Sở cũng đã chuẩn bị tốt công tác hạ thấp mực nước, thanh thải dòng chảy, kiểm tra vật tư thiết bị. Trong những ngày mưa lớn do bão, tất cả 20 tổ máy bơm đều được vận hành, liên tục trong 15 giờ.
Với siêu bão số 3, ông Thái nhận định lượng mưa sẽ lớn hơn rất nhiều, và kéo dài trong nhiều ngày. Do vậy công tác chuẩn bị, ứng phó cần kỹ càng hơn rất nhiều. Mực nước tại các hồ, kênh đều phải đảm bảo thấp hơn quy định để tạo bước đệm chứa nước mưa trên toàn thành phố cả trong và sau bão.
Tinh thần của các cán bộ, nhân viên đều lên cao, tập trung, tuyệt đối không chủ quan. Tất cả chúng tôi đều đã xác định sẽ làm việc liên tục 24/24h, thậm chí không về nhà cho đến khi bão tan.
Nước trong các hồ trên thành phố Hà Nội được đổ dồn về hồ chứa qua 4 con sông gồm: sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét, và các kênh dẫn. Sau đó, các tổ máy bơm sẽ hút nước từ kênh dẫn và đẩy ra sông Hồng.
Thông thường, theo quy định của Sở Xây dựng TP Hà Nội, mực nước trong hồ phải giữ ở mức 1,8m. Khi vượt qua mức này, trạm bơm Yên Sở cần vận hành tổ máy bơm, tùy vào mực nước cao hay thấp thì sẽ quyết định vận hành nhiều hay ít máy.
Khi tổ máy bơm được vận hành, sẽ hút nước ở kênh dẫn, trong quá trình này, có rất nhiều rác, gồm: cây cối, chăn ga, gối đệm, sofa… Lúc này, máy vớt rác làm nhiệm vụ vớt rác lên, đẩy vào băng tải ngang, sau đó truyền lên trên để đổ rác vào một hộc chứa. Khi hộc chứa này đầy, một ô tô sẽ tiến vào để nhận lấy rác được xả ra từ hộc, sau đó chở rác đi.
Chỉ còn vài giờ trước khi Hà Nội bắt đầu có mưa lớn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ông Trịnh Ngọc Thái, dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại trạm bơm Yên Sở, vẫn cảm thấy khá áp lực.
"Đây là một cơn bão rất lớn, đúng tầm siêu bão. Tôi cảm thấy khá áp lực, vì chắc chắn chúng tôi phải chuẩn bị tất cả mọi điều kiện rất kỹ càng, đảm bảo không sai sót, không có sự cố. Chúng tôi không dám lơ là dù chỉ 1 phút”, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở cho biết.