Tranh cãi kịch liệt về mức tăng lương 2016

Ngày 25-8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đã nhóm họp lần hai để chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, sau nhiều giờ tranh cãi, phiên họp phải tạm dừng mà chưa đi đến sự thống nhất về mức tăng lương tối thiểu.

Mức đề xuất còn cách xa yêu cầu

Tại buổi họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định mức đề xuất tăng lương của Tổng LĐLĐ được tính toán kỹ lưỡng từ mặt lý luận đến tuân thủ pháp luật.

“Chúng ta phải thực hiện theo đúng Điều 91 (mức lương tối thiểu) của Bộ luật Lao động, mà lẽ ra phải được áp dụng ngay từ khi luật có hiệu lực từ 1-1-2013. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng đảm bảo đủ mức sống tối thiểu ngay thì doanh nghiệp (DN) sẽ khó khăn nên Tổng LĐLĐ đồng ý cần có lộ trình nhưng lộ trình không phải là kéo dài bao lâu cũng được mà phải có thời điểm nhất định” - ông Chính nói.

Theo ông Chính, trước đây Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất với Tổng LĐLĐ lộ trình sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay mức lương tối thiểu mới thỏa mãn khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu; có nghĩa hai năm còn lại (2016 và 2017) phải đảm bảo lương tối thiểu tăng 25%-26%, tức mỗi năm phải tăng 12%-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy mức tăng năm nay khoảng 16,8% là hợp lý.

Đáp lại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn bảo vệ quan điểm tăng lương năm 2016 là 10%. “Quan điểm của chúng tôi là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ DN dưới lợi ích quốc gia. Vì chúng ta phải tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đất nước phải có một đội ngũ DN đủ mạnh đảm bảo phát triển bền vững thì lúc đó mới đảm bảo việc tăng lương tối thiểu” - ông Phòng nói.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng còn đang tranh cãi chưa được thống nhất. Ảnh: HỮU LUẬN

Không bên nào nhượng bộ

Chưa đồng tình với đại diện VCCI, ông Chính cho biết Tổng LĐLĐ đã tính toán khả năng chi trả của DN. Hiện ở Hà Nội DN đã trả mức lương cho người lao động từ 4,4 triệu đồng, TP.HCM khoảng 4,9 triệu đồng, cũng có rất nhiều DN trả 5 triệu đồng hoặc hơn. Như vậy có thể khẳng định DN đủ khả năng chi trả tiền lương cho người lao động. “Quan điểm của chúng tôi là mức tăng lương năm 2016 ít nhất phải bằng hoặc hơn mức tăng lương 2015 (năm 2015 là 14,3%)” - ông Chính nhấn mạnh.

Ông Phòng cho rằng với năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ qua chỉ tăng khoảng 3%/năm, lạm phát hiện nay dưới 1% và dự báo cả năm 2015 và 2016 ở mức dưới 3% nên mức tăng lương tối thiểu vùng 6%-7% cho năm 2016 là phù hợp.

“Mặc dù vậy, cũng cần phải khẳng định rằng mức sống của người công nhân hiện nay còn thấp, cuộc sống của người công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn và các DN cũng cần phải có trách nhiệm trong việc đưa mức tiền lương tối thiểu tiếp cận mức sống tối thiểu” - ông Phòng nói.

Từ đó vị đại diện VCCI cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9%-10% là hài hòa. “Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng” - ông Phòng bày tỏ.

Ngày 3-9 sẽ chốt mức tăng lương

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận xét sau năm giờ họp căng thẳng, phương án đề xuất của các bên không gần lại được với nhau, khoảng cách “vênh” nhau gần 6%. “Trước sự căng thẳng đó, đại diện người lao động xin dừng cuộc họp nên cuộc họp lần thứ hai chưa mang lại kết quả” - ông Huân nói và cho biết cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 3-9.

Cũng theo ông Huân, theo quy định mỗi bên được dừng một lần, nếu lần họp sắp tới các bên không thống nhất được phương án chung thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ dùng quyền của mình đưa ra mức tăng lương tối thiểu năm 2016 để trình Chính phủ.

Người lao động ăn còn chưa no

Nếu nhìn thẳng vào đời sống thực tế của công nhân lao động thì thấy mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 74% mức sống tối thiểu của họ. Có ai nhìn vào chất lượng bữa ăn của công nhân, họ chỉ dám ăn cơm với rau dưa, mì gói... Như vậy liệu họ có đủ sức lực để tăng ca?! Đó là chưa kể các chi phí khác cho con cái họ ăn học. Anh xác định người lao động là vốn quý nhưng người lao động ăn còn chưa no, DN lại yêu cầu công nhân cống hiến, làm việc năng suất cao, gắn bó lâu dài. VCCI cho rằng năng suất người lao động thấp thì cũng cần xem lại trình độ quản lý, công nghệ, tiếp cận thị trường, uy tín DN… chứ không thể đổ hết cho người lao động.

Ông NGUYỄN VĂN KHẢI,
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM

Gánh nặng cho doanh nghiệp

Từ đầu năm 2015 cho tới nay, phần lớn các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng né tránh nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lý do mức đóng các loại bảo hiểm tăng lên, có nghĩa chi phí cho người lao động của DN tăng lên dẫn đến chi phí giá thành sản xuất tăng. Trong khi đó, chỉ số sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm giảm dẫn đến việc khả năng tạo ra lợi nhuận từ đầu năm 2015 của DN thấp. Từ vấn đề trên, một số DN đã có các biện pháp phòng vệ rủi ro như cắt giảm lao động, thương lượng với người lao động điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm thấp hơn thực tế mức lương phải đóng bảo hiểm... Với những lý do đó, việc tăng mức lương trong thời gian tới là gánh nặng cho DN.

Giám đốc một DN (không muốn nêu tên)

P.ĐIỀN ghi

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất mức lương tối thiểu của bốn vùng năm 2016 dự kiến sẽ tăng 16,8%, 350.000-550.000 đồng/mức. Cụ thể, vùng I tăng 550.000 đồng, vùng II 450.000 đồng, vùng III 400.000 đồng, vùng IV 350.000 đồng.

Trong khi đó, VCCI lại đưa ra mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 7,2% (tăng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/mức). Sau đó, tại buổi họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia VCCI chấp nhận tăng mức lương tối thiểu năm 2016 lên 10%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm