“Mức đề xuất tăng lương tối thiểu lên 16,8% cho người lao động năm 2016 là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Chúng ta không thể để công nhân khổ mãi được...” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu tại hội thảo Tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp (DN) năm 2015 diễn ra ngày 13-8.
Ra chợ mới biết công nhân khổ cỡ nào
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp Hà Nội, cho rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 60% mức sống tối thiểu của công nhân nên đời sống của công nhân rất khó khăn. “Với mức lương 3,1 triệu đồng, công nhân phải làm gì khi các mặt hàng đều tăng vọt. Tôi ví dụ, một công nhân muốn gửi con vào trường tư (trường công không nhận vì không có hộ khẩu) dao động 1,6 triệu đồng/cháu, tiền phòng trọ thấp nhất cũng gần 1 triệu đồng. Ngoài ra tiền điện, nước, sữa… ngày càng tăng, với số tiền đó sao sống được” - ông Thắng nói.
Ông Thắng kể ông đã từng tâm sự với một bà mẹ công nhân. Họ than không đủ tiền để gửi con vào các trường nên đành gửi về cho ông bà nuôi. Họ đã cố gắng để giữ con bên cạnh để bớt nỗi nhớ con nhưng họ không làm được. Lúc tâm sự họ đã bật khóc và tha thiết muốn DN cải thiện tiền lương...
Ông Thắng cho rằng để hiểu thêm cuộc sống công nhân ông đã từng theo họ ra chợ. “Nhìn họ chuẩn bị một bữa ăn vô cùng đạm bạc với một khuôn đậu, vài cọng rau muống và cà. Công nhân nào sang lắm được tí thịt. Tôi về nhà trọ thì thấy công nhân sống cơ cực, không có bàn ghế, tài sản quý giá của họ chỉ có được cái quạt và vài cái nồi..., nhìn họ mà rơi nước mắt các anh ạ!” - ông Thắng bày tỏ.
“Theo tìm hiểu của tôi, các khoản đóng BHXH, BHTN... của DN chỉ chiếm 3%-4% doanh thu của DN. Nên tôi rất đồng tình với mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động” - ông Thắng đề nghị.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình với đề xuất tăng lương của Tổng Liên đoàn Lao động. Ảnh: VIẾT LONG
“Không thể để công nhân khổ mãi”
Ông Mai Đức Chính cho biết vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động đã khảo sát 10 tỉnh, TP (Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre) với 60 DN trong các ngành dệt may, giày da, GTVT... và bốn vùng lương. Kết quả, 20% công nhân cho rằng mức lương trên không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải; 8,0% có dư tích lũy. “Qua đó chúng ta có thể thấy cuộc sống của người lao động đang gặp khó khăn. Mức lương tối thiểu năm 2015 ở vùng 1 (vùng đô thị) chắc chắn không đảm bảo cuộc sống của người lao động” - ông Chính nói.
Trước thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu lên 16,8%. “Mức lương này cũng mới đáp ứng được 89% mức sống tối thiểu của người lao động nên phải kiên quyết giữ mức đề xuất trên để năm 2017 tiến tới đạt 100% mức sống tối thiểu. Không thể để công nhân khổ mãi được” - ông Chính nói và cho biết hiện mức lương của Việt Nam chỉ cao hơn hai nước trong ASEAN là Lào và Campuchia.
TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn, nhấn mạnh năm nay GDP tăng trưởng cao hơn, kinh tế phục hồi nên không thể viện lý do kinh tế khó khăn để trì hoãn việc tăng lương cho người lao động. “Đã là DN thì phải có trách nhiệm trả lương và đóng BHXH cho người lao động, đây cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, không thể viện lý do trì hoãn thêm” - TS Vũ Quang Thọ nói.
Đề xuất tăng lương 350.000-550.000 đồng/mức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với Hội đồng Tiền lương Quốc gia mức lương tối thiểu của bốn vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng 350.000-550.000 đồng/mức. Cụ thể, vùng 1 tăng 550.000 đồng, vùng 2 (trung tâm tỉnh, thị xã) 450.000 đồng, vùng 3 (các quận, huyện) 400.000 đồng, vùng 4 (vùng kinh tế khó khăn) là 350.000 đồng. Đến năm 2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ được đề xuất tiếp tục tăng, cụ thể vùng 1 tăng 650.000 đồng, vùng 2 tăng 600.000 đồng, vùng 3 tăng 550.000 đồng, vùng 4 tăng 500.000 đồng. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại đưa ra mức tăng lương 7,2% (mức tăng cao nhất 220.000 đồng). |