Ngày 13-8, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hội thảo tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015.
Ông Mai Đức Chính, phó Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khẳng định việc tăng lương 16% (mức cao nhất là 550 nghìn đồng), không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp: "Hiện nay công nhân thích làm tăng ca không phải để tích lũy mà để đủ sống. Chúng ta cứ ra chợ nhìn công nhân là biết cuộc sống của họ khổ cực đến cỡ nào, việc làm tăng ca thêm là chuyện bất khả kháng. Cuộc sống người dân không thể kéo dài như vậy được"- ông Chính nói và cho biết so với các nước Đông Nam Á tiền lương trả cho người lao động Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào.
Liên quan đến việc người sử dụng cho rằng họ có hai bảng lương để trả cho công nhân, ông Mai Đức Chính khẳng định các doanh nghiệp đang lợi dụng khe hở của pháp luật để lách luật: "Cụ thể doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động là 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng, nhưng họ lại trả mức lương cho công nhân 3,1 triệu đồng. Và doanh nghiệp làm hai hệ thống bảng lương để báo cho BHXH rằng tôi trả lương cho người lao động 3,1 triệu đồng, cao hơn mức lương tối thiểu nên tôi chỉ đóng 22% mức BHXX. Nhưng mức 5 triệu thực chất là lương, vì anh quyết toán anh coi nó là chi phí. Và nếu là tiền thưởng thì doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhận doanh nghiệp. Nên tới đây Chính phủ đang chỉ đạo phải có sự liên thông giữa cơ quan thuế và BHXH, nếu có quy định này thì doanh nghiệp không thể nói tôi có hai bảng lương được"- ông Chính nói.
Đa số các thành viên tán thành với đề xuất tăng lương của Tổng Liên đoàn lao động. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Mai Đức Chính, cũng cho biết ngoài lương, phải hoàn thành lộ trình tăng lương trong năm 2017, phải đảm bảo lương tối thiểu đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động, điều này là phù hợp vì năm 2018 Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, phía VCCI muốn giãn lộ trình đến năm 2020: “Hiện lương tối thiểu của người lao động mới đáp ứng được hơn 75% đời sống tối thiểu của họ. Vì vậy, chúng tôi kiên định đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm nay phải tăng 550.000 đồng/người/tháng (mức cao nhất) so với năm 2015. Như thế, đến năm 2016 lương tối thiểu sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2017 tăng thêm 11% còn lại là đáp ứng được, không thể kéo dài hơn nữa” – ông Mai Đức Chính nói
Theo ông Đặng Quang Hợp, Viện nghiên cứu công nhân và công đoàn Việt Nam, cho biết qua khảo sát 10 tỉnh, thành phố, với 60 doanh nghiệp bốn vùng lương, trong các ngành dệt may, giày da... có 39,7% người lao động cho rằng mức tăng lương thấp, 20,6% không đánh giá (vì họ cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm), 1,4% cao.
Được biết, trước đó, ngày 5-8, Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm Bộ LĐ-TB&XH (đại diện cho Chính phủ), Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho người sử dụng lao động), dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – Chủ tịch Hội đồng đã có buổi nhóm họp để chốt mức đề xuất tăng lương lên Chính phủ. Tuy nhiên, cuộc họp phải dừng lại vì mức đề xuất tăng lương của VCCI chỉ 7,2% (mức tăng cao nhất là 220 nghìn đồng).
Đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Tổng Liên đoàn lao động Việt nam đã đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia mức lương tối thiểu của bốn vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức. Cụ thể, vùng một tăng 550.000 đồng, vùng hai 450.000 đồng, vùng ba 400.000 đồng, vùng bốn là 350.000 đồng. Đến năm 2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ được đề xuất tiếp tục tăng, cụ thể vùng một tăng 650.000 đồng, vùng hai tăng 600.000 đồng, vùng ba tăng 550.000 đồng, vùng bốn tăng 500.000 đồng. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc đưa ra mức đề xuất trên dựa vào ba dự báo, gồm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%,5 /năm và năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3-3,5%/năm. Đồng thời, dựa vào Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành để đưa ra đề xuất. |