Tránh sập bẫy lãi suất 720%/năm bằng cách nào?

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức vay ngang hàng rồi lách thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay có khi lên tới 720%/năm. Một số ý kiến cho rằng mức lãi suất hơn 700%/năm là mức lãi suất phi kinh tế.

Đã có nạn nhân từ vay trực tuyến

Trong văn bản mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương vừa thông báo chiều qua (11-12) cho biết: Trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online) với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn). 

Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác hợp tác với công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của  ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…) hoặc không được xác định cụ thể, có thể là tổ chức, cá nhân bất kỳ có đăng ký cho vay trên hệ thống của công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn - các mô hình hiện được biết đến trên thị trường thế giới với tên gọi là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer, P2P). 

Thực tế, nhìn từ vụ việc hàng ngàn người trở thành nạn nhân do hoạt động cho vay ngang hàng tại Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị. Mô hình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã thu hút tới 50 triệu người dùng do bị hấp dẫn bởi mức lãi cam kết từ 10% trở lên - gấp đôi lãi suất ngân hàng tại đây. Hồi tháng 6, tổng số tiền nhà đầu tư đổ vào các nền tảng này đã lên kỷ lục 200 tỉ USD.

Thế nhưng vào đầu tháng 8 vừa qua, khoảng 4.000 người Trung Quốc đã trở thành nạn nhân khi Công ty PPMiao tuyên bố phá sản. Ước tính tổng số tiền mà khách hàng bị mất lên đến 117 triệu USD. Rất nhiều người trong số đó đã đến các TP lớn ở Trung Quốc để đòi bồi thường.

Tránh nguy cơ tiền mất tật oan

Từ thực tế ghi nhận trong thời gian qua, căn cứ bài học kinh nghiệm tại Trung Quốc, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra hàng loạt cảnh báo. 

Ngoài việc lãi suất “cắt cổ”, các thủ tục vay trực tuyến cũng tương đối giống việc vay nặng lãi bên ngoài khi khách hàng cũng phải để lại số điện thoại đồng nghiệp, người thân để bên cho vay gọi điện xác nhận. 

Thứ nhất, khách hàng cần thận trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay. Do các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập thông tin của các công ty là rất lớn, trong đó có một số mục đích sử dụng để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (Facebook, Zalo…) hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…).

Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.

Thứ hai, trước khi xác nhận vay, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về quy trình phê duyệt và giải ngân để có thể hiểu rõ chủ thể và thủ tục cung cấp khoản vay. Bởi lẽ trong một số mô hình cho vay trực tuyến, một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục, ví dụ ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân. 

Đặc biệt là khách hàng coi chừng "dính bẫy" lãi suất vay "cắt cổ" của mô hình cho vay trực tuyến. Bởi lẽ hoạt động cho vay trực tuyến có liên quan đến hoạt động kinh doanh cầm đồ, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Luật Dân sự 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác, ví dụ phí tư vấn, phí quản lý khoản vay…

"Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, trong đó bao gồm những khoản tiền gì, cách thức tính ra sao, cách thức thanh toán, thanh toán cho ai và thời hạn thanh toán..." - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.

Theo ghi nhận, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, mặc dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.

Thứ ba, người tiêu dùng chỉ nên xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký. 
Sau khi ký, người tiêu dùng nên yêu cầu công ty gửi bản hợp đồng đã ký để lưu giữ và đối chiếu, sử dụng khi có phát sinh tranh chấp. Trường hợp phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn, quảng cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các hình thức phản ánh, khiếu nại có lưu vết tới công ty như gửi email, gửi qua bưu điện có xác nhận chuyển phát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm