Tại hội thảo với chủ đề "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (14-8), bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000, thị trường bia Việt luôn thiếu nguồn cung.
Nhưng sau 30 năm, với chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, thị trường bia Việt đã có sự phát triển mạnh mẽ với sự đóng góp lớn cho kinh tế cũng như nguồn thu ngân sách, và công ăn việc làm.
Trên thị trường bia Việt Nam, các hãng bia trong nước và nước ngoài cùng tăng trưởng và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, đưa ra nhiều sản phẩm hơn cho người tiêu dùng.
Theo VBA, giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình sản xuất bia đạt 7,32%/năm. Năm 2019, sản lượng bia đạt đỉnh cao nhất là 4,5 tỉ lít. Những năm gần đây, sản lượng bia có suy giảm. Như năm 2021, sản lượng bia chỉ còn 3,6 tỉ lít.
Năm 2023 sản lượng bia được sản xuất tăng trở lại, đạt 4,1 tỉ lít. Tính bình quân, khoảng 40 lít/người/năm...
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với sản phẩm đồ uống có cồn là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên họ khẳng định cần thêm thời gian cân nhắc và xem xét tác động của quy định thuế mới lên người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2023, ngành bia – rượu – nước giải khát, ước tính đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu ngân sách. Từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay, các doanh nghiệp rượu, bia đã đối mặt với vô vàn khó khăn. Lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước…
Vì vậy, theo ông Minh, việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn quá nhanh và mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.
Ủng hộ quan điểm cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho rằng cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.
Việc tăng thuế TTĐB biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.
"Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, gây thất thu thuế cho nhà nước" -bà Cúc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, việc tăng thuế cần tính toán đến sự phát triển của doanh nghiệp bởi khi đầu tư vào bất kỳ một quốc gia nào đó, nhà đầu tư thường tính đến lộ trình ít nhất từ 3 đến 5 năm cho một kế hoạch kinh doanh ổn định.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần tránh việc tăng thuế đột ngột gây sốc cho thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng mạnh và nhanh thuế đối với đồ uống có cồn có thể tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Vì vậy các đại biểu cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Đồng thời việc lùi thời gian tăng thuế có thể giúp doanh nghiệp giảm áp lực, ổn định sản xuất kinh doanh.
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia.
Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB giống với mặt hàng bia.