Ngày 5-6, nhân ngày Môi trường thế giới, tại UBND huyện đảo Trường Sa, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức lễ trao Bằng công nhận và bia cho 4 cây di sản Việt Nam ở trên đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa).
Đại diện UBND huyện Trường Sa nhận Bằng công nhận cây di sản
Bốn cây ở Trường Sa được công nhận là cây di sản gồm một cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, cây mù u trên đảo Sơn Ca, cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết, đều có tuổi đời trên 300 năm, riêng cây mù u trên đảo Sinh Tồn có tuổi đời 100 năm.
Cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết
Theo quy định, Cây di sản là những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ.
Việc công nhận cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, qua đó "Cây di sản Việt Nam" có điều kiện để trường tồn cùng danh hiệu được phong tặng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Việc tổ chức công nhận, vinh danh và gắn bia "Cây di sản Việt Nam" nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam.
Đặc biệt ở Trường Sa, cây phong ba và bàng vuông luôn được coi như loài cây đặc chủng dành riêng cho vùng biển đảo ở Việt Nam.
Theo GS, TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch VACNE, tính đến thời điểm này, tại Khánh Hòa, Hội đã cấp bằng công nhận cho 19 cây di sản, trong đó có 15 cây trên đất liền và 4 cây di sản trên các đảo ở Trường Sa.
(PLO)- Năm cây di sản gồm: Cây đa sộp (lá to), cây đa sộp (lá nhỏ), cây kơ nia, hai cây dầu (cạnh nhau).