Tối 21-10, Hội nghệ sĩ múa TP.HCM đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần 8 – năm 2024 tại Nhà hát quân đội TP.HCM (quận Tân Bình).
Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần 8 – năm 2024 với sự tham gia của hơn 20 đơn vị, nhóm vũ đoàn và các cá nhân trong địa bàn TP.HCM với hơn 30 tác phẩm phong phú các thể loại, đương đại, hiện đại và múa dân gian…
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa TP.HCM, Chủ tịch hội đồng ban giám khảo Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng cho biết đây là dịp để các nghệ sĩ của Hội nghệ sĩ múa TP hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đề ra.
Theo NSND Hà thế Dũng các tác phẩm tham dự lần này không tăng về số lượng so với những kỳ liên hoan trước đó, nhưng chất lượng của nhiều tác phẩm đã đem đến cho liên hoan một diện mạo mới.
"Đội ngũ sáng tạo được quy tụ, lực lượng diễn viên tham gia chuyên nghiệp, tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng miền khá rõ nét, bố cục, thiết kế sân khẩu, trang phục phù hợp, có sự đầu tư ý tưởng nội dung chặt chẽ, kết cấu bài bám sát chủ đề, bám ý cùng với việc lựa chọn âm nhạc khéo léo đã mang lại nhiều cảm xúc" – NSND Hà Thế Dũng nhận xét.
Cũng theo NSND Hà Thế Dũng, liên hoan năm nay thể loại múa đương đại vẫn được các tác giả vận dụng nhiều.
Thể loại múa dân gian dân tộc và truyền thống có số lượng tác phẩm dự thi không nhiều nhưng tiêu biểu và có chọn lọc đầu tư thích đáng, thiết nghĩ cần có cuộc thi riêng về dòng múa này.
Nhiều đề tài mới, góc nhìn mới, được đầu tư dàn dựng cho thấy rõ nét tính tích cực của đội ngũ biên đạo trẻ ngành múa TP.HCM hôm nay.
Phương pháp sáng tác, tổ chức tác phẩm, lựa chọn kỹ năng diễn xuất của diễn viên mang tính đột phá, sáng tạo hình thành một không gian nghệ thuật ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút sự tập trung của người xem một cách hoàn chỉnh.
Lựa chọn âm nhạc của một số tác giả nước ngoài và sự kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau như: sân khấu, hội họa, nghệ thuật đường phố, xiếc... đang là xu thế mà nhiều biên đạo lựa chọn. Đặc biệt hơn khi các đề tài xã hội rất đời thường cũng được quan tâm trong tất cả các tác phẩm lần này.
Tuy nhiên, NSND Hà Thế Dũng đưa ra những vấn đề lưu ý như thực trạng sử dụng âm nhạc của các tác giả nước ngoài, vận dụng đồng thời sự kết hợp một số loại hình nghệ thuật khác nhau trong tác phẩm mùa.
"Hơn nữa ngôn ngữ múa đương đại đang là một phương tiện cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật múa. Câu hỏi đặt ra đối với nghề là giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa nằm ở đâu, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa nước nhà; hướng giải quyết những năm tiếp theo sẽ ra sao" – ông Dũng nhấn mạnh.
Ông cũng chỉ ra còn nhiều các nhóm, cá nhân biên đạo chưa đánh giá đúng giá trị thực tiễn của Liên hoan cũng như bám sát quy chế.
Một số tác phẩm chưa có sự đầu tư tương xứng, đội ngũ sáng tạo còn biểu hiện thiếu kỹ năng nghề trong thủ pháp sân khấu; kết nối nội dung, điều tuyến múa theo ý tưởng, còn thể hiện theo lối mòn, chưa mạnh dạn xóa bỏ suy nghĩ, tính an toàn; đôi chỗ còn làm “cho sướng" khi xây dựng tác phẩm….
Theo đó, trải qua 3 đêm thi diễn (từ 18 đến 21-10), ban tổ chức đã chọn lựa và trao tặng cho 29 giải diễn viên biểu diễn gồm 5 giải khuyến khích, 10 giải C, 10 giải B và 4 giải A.
Đối với giải tác phẩm dự thi liên hoan gồm 9 giải khuyến khích, 2 giải C, 1 giải B và 1 giải A (tác phẩm Phận ngọc của biên đạo Hà Thanh Hậu (dự thi cá nhân)).