Cứ bắt đầu từ chiều tối, nhất là ngày nghỉ, các khu đặt bàn máy bắn cá điện tử ở các trung tâm vui chơi tại TPHCM lại náo nhiệt hẳn lên. Nạp càng nhiều xu, bắn càng nhiều cá, người chơi sẽ thu về nhiều xu thưởng để chơi tiếp nên rất dễ bị mê hoặc.
Đáng nói, không ít người chơi trong đó là HS nhỏ tuổi, thậm chí đang học mẫu giáo. Nhiều phụ huynh còn sẵn sàng đi cùng để kịp “cung ứng” tiền cho con chơi.
Chơi đến tiền triệu là bình thường!
Hai em nhỏ đang chơi bắn cá tại một trung tâm thương mại với rổ xu trước mặt.
Tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM, dịp cuối tuần, náo nhiệt nhất vẫn là khu chơi bắn cá với khoảng 5 bàn máy, hầu hết đã phủ kín chỗ, ai ai cũng đặt bên mình một bịch hoặc một rổ chừng 200-500 xu để nạp vào chơi (5.000 đồng/xu), hết lại ra máy bán xu tự động hoặc quầy hàng mua xu tiếp. Xung quanh đều có bảo vệ an ninh nghiêm ngặt để tránh xảy ra tình trạng mua bán xu giữa các khách đến chơi.
Nhìn quanh, nhiều trẻ nhỏ cũng ngồi chễm chệ, chơi rất khí thế, thi thoảng lại hò hét thích thú.
H.A, HS lớp 2 tại một trường tiểu học lớn ở quận 1 đang hì hục bắn cá với một rổ xu trước mặt. Khi chúng tôi hỏi về số xu, em “khiêm tốn” trả lời “từng này xu có 500 ngàn thôi, chơi hết lại mua tiếp”. Em cho biết đi đến đây cùng mẹ, mẹ cho tiền vào chơi game còn mẹ đi qua khu vực mua sắm. “Cuối tuần con mới đến chơi vì mấy đứa bạn hay chơi trò này lắm. Hồi đầu mẹ chỉ mua 20 xu bắn thử thôi nhưng bắn phát là hết. Bây giờ mỗi lần mẹ mua cho 100 xu, có khi 200 xu để chơi. Bắn càng nhiều càng được thưởng nhiều xu, chơi hoài không chán” – em này kể.
Phía máy khác cũng có cả người lớn lẫn trẻ nhỏ chơi. Một em chừng 12 tuổi ngồi bật xuống ghế nói: “Tức quá, luyện thế rồi mà vẫn không bắn chết được”. Người mẹ ngồi bên cạnh nhìn qua cười hả hê, sau đó cúi xuống dưới lấy xu được thưởng đưa qua cho đứa con chơi tiếp.
Trẻ mẫu giáo cũng mê
Không phải là dịp cuối tuần nhưng khi ghé một siêu thị tại quận Bình Thạnh, chúng tôi bất ngờ vì những máy bắn cá vẫn thu hút đông người chơi và đứng xem. Vì một xu ở đây có giá 2.000 đồng nên từ người lớn lẫn trẻ nhỏ không ngần ngại bỏ tiền ra để chơi. Thi thoảng lại có giọng ai đó cất lên: “chết mày, chết mày, trả xu cho tao, trả xu cho tao”.
Dẫn cậu bé mới 5 tuổi đến chơi, chị K. hồ hởi khoe “Con nít thích trò này lắm, lại gần nhà nên mỗi tối mình đều dẫn nó đến chơi. Mỗi lần chỉ cho chơi một tiếng thôi, thế mà cũng tốn cả mấy trăm xu”.
Thấy mẹ khoe, cậu bé cũng tiếp “Mẹ xạo, có bữa con chỉ chơi có 100 xu nhưng được “ăn” lại mấy chục cái nữa kìa. Con luyện mãi mới được”.
Khi chúng tôi hỏi chị sao cho bé chơi nhiều thế, chị vui vẻ nói “mấy đứa hàng xóm chơi cái này dữ lắm nên nó mê. Cả ngày ở trường rồi, về nhà thà cho nó chơi trò này còn hơn ra đường chạy nhảy không biết đâu mà lần”.
Tương tự, tại một trung tâm thương mại khác ở quận 1, nhiều trẻ nhỏ dù chỉ 4-5 tuổi cũng được bố mẹ dẫn lên chơi cùng. Chúng tôi lân la hỏi một bé gái đang nạp xu vào máy về cách chơi, bé này hồn nhiên: “Chơi dễ ẹc. Cô mà chơi là ghiền như ba của con ngay. Con được luyện trò này trên máy tính rồi nhưng mấy con cá to sống dai quá, bắn hoài không chết, mất hết xèng”.
Khi chúng tôi giả hỏi về cách mua xu, bé nhanh nhẩu: “Một xu chỉ có 4 tiền thôi (4.000 đồng). Mẹ con toàn mua bịch bự mới đủ chơi, cô mà mua ít là chơi nhanh hết lắm”.
Với trẻ em, thế giới trò chơi luôn lạ lẫm, hấp dẫn và có sức hút kỳ diệu. Tất cả các hình thức vui chơi liên quan đến cờ bạc đều phản giáo dục. Các em rất dễ tò mò và một khi đã thử chơi sẽ thích thú, muốn chinh phục nó ngay, nhất là các bạn nam càng dễ bị lôi kéo. Lâu dần, nó không chỉ gây “nghiện”, mà còn làm ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe và phát triển tư chất của các em. Khi thua, trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, u uất, sống tách khỏi bạn bè đồng trang lứa. Ở những môi trường có trò chơi “trá hình” cờ bạc, vì trẻ chưa kiếm ra tiền nên rất dễ học cách nói dối người thân để có tiền thỏa mãn vui chơi hoặc dễ bị kẻ xấu lợi dụng, o ép bắt làm những điều phi pháp như trộm cướp…. Khi trẻ có các biểu hiện chơi trò cá cược, phụ huynh cần theo dõi sát sao hơn các sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, cách theo dõi cần khéo léo, tránh cho trẻ cảm giác bị o ép hay kiểm soát vì dễ khiến trẻ có những biểu hiện liều lĩnh và "thể hiện" hơn. Cha mẹ nên tạo cho trẻ môi trường sống gần gũi, thân thiết giúp trẻ có cảm giác yên tâm, từ đó có thể khuyên bảo một cách phù hợp để "kéo" con về phía mình. Đồng thời, cho trẻ theo học các lớp về kỹ năng sống, tư duy tích cực giúp con có thêm bạn mới. Sự bận rộn và môi trường học thú vị, sinh động sẽ giúp trẻ “quên” các trò chơi ăn thua trước đó. (Th.S Lê Thị Lan Anh, Nhà nghiên cứu, Phó viện trưởng Viện phát triển giáo dục và trí tuệ Việt ) |