Đây là một biện pháp được hy vọng sẽ góp phần làm giảm vi phạm giao thông - một vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Tại Hà Nội, chiều 29/11, trao đổi với chúng tôi Trung tá Lê Quang Mỹ - Đội trưởng CSGT Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Ngày đầu tiên Thông tư 38 có hiệu lực, trên địa bàn huyện Từ Liêm chưa có trường hợp nào cần lãnh đạo huyện ký gửi thông báo. Nếu những ngày tiếp theo, phát hiện trường hợp nằm trong diện quy định, đơn vị sẽ có biên bản đề xuất lên Công an huyện, để đồng chí Trưởng Công an huyện ký quyết định. Có mặt tại huyện Thanh Trì, một địa phương thời gian qua thực hiện rất tốt công tác thông báo người vi phạm giao thông trên các phương tiện thông tin tận cơ sở, chúng tôi được
Thiếu tá Nguyễn Văn Tạc - Đội phó Đội CSGT Công an huyện Thanh Trì - Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi tháng đơn vị này vẫn thực hiện thông báo khoảng 30-40 trường hợp vi phạm giao thông chuyển cho hệ thống phát thanh của huyện và các địa phương để đọc trên loa đài.
Triển khai thực hiện Thông tư 38, Công an huyện đã giao cho lực lượng CSGT phối hợp với Cảnh sát QLHC để tiến hành gửi thông báo về nơi cư trú đồng thời tăng cường sự giám sát thực hiện. Hiện đơn vị này đang tiến hành tập huấn cho lực lượng Công an các xã để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Tại Bắc Ninh, trao đổi với phóng viên chiều 29/11, Thượng tá Nguyễn Đức Tân - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Điểm mới trong Thông tư 38 là ngoài việc lựa chọn lỗi hành vi vi phạm để gửi thông báo về cơ quan, trường học hoặc nơi cư trú trường hợp vi phạm còn bị thông báo trên đài truyền hình, hệ thống phát thanh. Hiện Phòng CSGT Công an Bắc Ninh đang phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương để tiến hành triển khai việc thông báo các trường hợp vi phạm.
Thông báo vi phạm sẽ được gửi về qua Công an xã, phường, thị trấn. Khi nhận được thông báo, những đơn vị này có trách nhiệm vào sổ theo dõi, rồi mới chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm, hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo; trường hợp vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập như ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho nơi đã ra thông báo vi phạm.
Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: Các trường hợp phải thông báo vi phạm là những trường hợp phạm lỗi nặng. Cụ thể là: Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa mà theo quy định của pháp luật, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước có thời hạn hoặc không có thời hạn quyền sử dụng GPLX hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu; bị tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm điều khiển phương tiện không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Ngoài các trường hợp trên, căn cứ vào tình hình và yêu cầu cụ thể của công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt, Cục trưởng Cục CSGT đường thủy, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có thể quyết định thông báo vi phạm đối với các trường hợp vi phạm khác. |
Theo Xuân Luận - Thanh Huyền (CAND)