Triển lãm nude lại bị từ chối cấp phép

Anh là trường hợp mới nhất trong số những nghệ sĩ sáng tác về nude nhưng không thể trưng bày.

Hai họa sĩ Nguyễn Kim Đính và Phan Văn Thụy kết hợp tổ chức triển lãm chung vào 10/4 gồm 12 bức tranh thông thường của Phan Văn Thụy và 12 bức khỏa thân của Nguyễn Kim Đính. Tác phẩm của họ đã được Hội đồng nghệ thuật của Hội mỹ thuật Thừa Thiên - Huế thẩm định, phê duyệt và đề nghị Sở cấp phép. Ngày 8/4, khi việc chuẩn bị cho phòng tranh đã hoàn tất, họa sĩ Nguyễn Kim Đính nhận được công văn từ chối của Sở đối với 12 bức của anh. Còn tranh của Phan Văn Thụy vẫn được ra mắt.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Kim Đính.
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Kim Đính.

Công văn của Sở ghi rõ: "... 12 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Kim Đính có một số bức chất lượng nghệ thuật chưa cao, có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam nên khi đưa ra phổ biến trước công chúng dễ dẫn đến nhận thức thẩm mỹ không lành mạnh. Vì thế Sở không đồng ý cho phép tổ chức triển lãm này”.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Kim Đính cho biết: "Tôi lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của người phụ nữ. Đường nét và màu sắc là những yếu tố quyết định sáng tác của tôi chứ tôi không chú trọng khai thác khía cạnh vật chất dung tục. Tôi lấy làm buồn khi Sở từ chối một triển lãm đã được Hội Mỹ thuật thẩm định và phê duyệt".

Sau Trần Huy Hoan, Nguyễn Kim Hoàng và Thái Phiên, câu chuyện của họa sĩ Kim Đính một lần nữa cho thấy sự bối rối của cả nghệ sĩ, công chúng và các nhà quản lý đối với đề tài khỏa thân.

Nghệ sĩ thấp thỏm, nhà quản lý lúng túng với nude

Khỏa thân chỉ là một trong những đề tài sáng tác của nghệ thuật tạo hình, bên cạnh tranh ảnh chân dung, phong cảnh, sinh hoạt... Nhưng khi muốn triển lãm, các nghệ sĩ lại thấp thỏm vừa làm vừa lo. Trước nay, để có thể lấp ló xuất hiện trước công chúng, nghệ sĩ phải khéo léo gửi tranh nude vào chung với những triển lãm thuộc nhiều đề tài "chính chuyên" khác. Chưa bao giờ ở Việt Nam, tranh nude được cấp phép trưng bày thành một triển lãm riêng, dù đôi phen, các nghệ sĩ đã thắc thỏm... mừng hụt vì sự lúng túng của các nhà quản lý.

Họa sĩ Kim Đính chia sẻ, sau nhiều năm sáng tác, anh đã rất vui mừng khi những bức tranh khỏa thân của mình được Hội đồng nghệ thuật phê duyệt. Tin tưởng vào mắt xanh của các nhà chuyên môn, anh tất bật chuẩn bị cho ngày ra mắt phòng tranh. Nhưng niềm hân hoan chưa kịp nhen nhóm, nỗi thất vọng đã ập đến với anh. "Tranh đã được treo, giấy mời đã được gửi. Nhưng đến sát khai mạc, tôi phải dỡ tác phẩm của mình xuống", anh nói trong sự chán nản.

Một bức ảnh nude của Thái Phiên.
Một bức ảnh nude của Thái Phiên.

Khó cơ cơ hội triển lãm tại TP HCM, nơi từng từ chối tranh, ảnh nude của họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng vào tháng 4/2007, nhiếp ảnh gia Thái Phiên đành mang những đứa con tinh thần của mình ra Hà Nội. Tháng 10/2007, anh ngập tràn hạnh phúc khi trở thành nhiếp ảnh gia đầu tiên được Sở Văn hóa thông tin Hà Nội cấp phép cho triển lãm ảnh nude "Xuân thì". Anh ôm ảnh từ Sài Gòn bay ra Hà Nội chuẩn bị cho buổi trưng bày. Nhưng sau hai lần bị Sở yêu cầu hoãn, đều vì những lý do nằm ngoài bản thân tác phẩm (lần thứ nhất vì địa điểm không phù hợp; lần thứ hai vì thời gian không phù hợp), Thái Phiên lại ngậm ngùi mang tác phẩm về để chờ cơ hội thứ ba.

17 năm trước, trong một triển lãm ảnh của mình, nghệ sĩ Trần Huy Hoan cho trưng bày kết hợp 6 bức ảnh nude. Ngay sau khai mạc, anh bị các nhà quản lý yêu cầu dỡ bỏ 6 bức khỏa thân. Trần Huy Hoan đã quyết định dừng toàn bộ triển lãm. "Tôi xét thấy mình sáng tác nghiêm túc. Tác phẩm đã được những người có chuyên môn duyệt cho treo. Phòng tranh là một tổng thể, nên khi họ yêu cầu gỡ bỏ, tôi đã đóng cửa triển lãm. Công chúng sau đó đã kéo đến nhà riêng của tôi xem", anh nói.

Họa sĩ Kim Đính phát biểu: "Tôi biết, khỏa thân là một đề tài nhạy cảm. Nhưng nếu không cấp phép, tôi mong các cấp quản lý chỉ ra những lý do cụ thể". Nghệ sĩ Thái Phiên cũng cho rằng, không thể che đậy sự lúng túng cùa các nhà quản lý bằng cách níu vào những điều rất trừu tượng như "thuần phong mỹ tục". Theo anh, bằng cách phản ứng như vậy, Việt Nam sẽ không biết đến bao giờ mới có sự cởi mở với tranh, ảnh nude.

Công chúng đợi nude hay nude đợi công chúng

Nhớ lại chuyện 6 tấm ảnh khỏa thân của mình, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan cho rằng, anh thiệt thòi, một phần vì công bố ảnh nude vào lúc "chưa hợp thời", khi mà công chúng còn quá xa lạ với đề tài nhạy cảm này. Chia sẻ sự thông cảm với các nhà quản lý trước những áp lực về nhận thức của công chúng, nhưng anh cho biết: "Giữa nghệ thuật và khán giả tất nhiên cần phải có sự đồng điệu nhất định. Nhưng chúng ta không thể cứ ngồi chờ công chúng trưởng thành mãi được. Hơn nữa, đến lúc này, nhận thức của người xem đã thay đổi rất nhiều. Vấn đề là cần thẩm định chính xác thế nào là tranh, ảnh nude thực sự nghệ thuật để vừa tạo sự công bằng cho nghệ sĩ vừa nâng tầm nhận thức thẩm mỹ cho người xem. Mọi sự cấm đoán cần được giải thích rõ, tránh lối làm việc 'bắt nhầm còn hơn bỏ sót'".

Một tác phẩm khác trong số 12 bức đã được Hội đồng nghệ thuật duyệt của họa sĩ Kim Đính.

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cũng khẳng định, công chúng Việt Nam hiện nay rõ ràng có nhu cầu thưởng thức tranh ảnh đề tài nude. "Ngay từ xa xưa, cha ông đã vẽ, đã thờ những sinh thực khí như Linga, Yoni, vậy thì tại sao đến giờ các nhà quản lý vẫn coi tranh nude là đề tài cấm kỵ, là không phù hợp thuần phong mỹ thuật. Nếu tiếp tục viện cớ nhận thức của công chúng và chờ đợi sự đối mới trong nhận thức của giới quản lý thì tôi không biết bao giờ mỹ thuật Việt Nam mới hòa nhập được với quốc tế".

Thái Phiên khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng, công chúng Việt Nam đang mong muốn được thưởng thức tranh ảnh nude nghệ thuật đích thực.

Hội đồng nghệ thuật nói, nhà quản lý không nghe

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Tuy được coi là cơ quan tư vấn về chuyên môn cho Sở, nhưng sau khi Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật đã thẩm định tranh của họa sĩ Nguyễn Kim Đính, Sở chưa tin cậy lại tiếp tục đi duyệt lần nữa. Và sau hai lần duyệt, cuối cùng, triển lãm vẫn không được cấp phép".

Ông khẳng định, Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Huế sẽ tiếp tục thẩm định lại một số bức mà Sở cho là "có chất lượng nghệ thuật chưa cao" bởi theo ông, Hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc và các thành viên đều là những người rất có uy tín trong giới mỹ thuật Huế.

Tương tự như vậy là trường hợp triển lãm nude Xuân thì của Thái Phiên. Trước khi được cấp phép, ảnh của anh đã được Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Hà Nội thẩm định và phê duyệt. Nhưng cuối cùng, nó vẫn không thể ra mắt trong sự chờ đợi của những người trong giới.

Những trường hợp bị từ chối triển lãm tranh, ảnh nude trước nay đều bộc lộ sự thiếu thống nhất giữa các Hội mỹ thuật và cơ quan quản lý. Chính vì vậy, nghệ sĩ Thái Phiên cho biết: "Tôi không hiểu, nếu như thế, người ta còn cần đến vai trò của Hội làm gì nữa. Cứ theo quy trình này, thì sự tồn tại của các Hội đồng nghệ thuật với vai trò thẩm định tác phẩm rõ ràng là không cần thiết. Tại sao cứ phải lập hội đồng chỉ để cãi nhau với cơ quan quản lý?".

Và trong khi chờ đợi mọi sự lúng túng, bối rối của nhà quản lý cùng trạng thái chưa trưởng thành của công chúng qua đi, tranh, ảnh khỏa thân vẫn lặng lẽ xếp sâu trong gia tài sáng tác của các nghệ sĩ.

Theo Lưu Hà (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm