Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 20-10 xác nhận Bình Nhưỡng vừa thực hiện một vụ thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới, một ngày sau khi Hàn Quốc và Nhật thông tin về vụ việc, hãng Reuters đưa tin.
Theo quân đội Hàn Quốc, Seoul tin rằng Triều Tiên hôm 19-10 đã phóng một SLBM từ khu vực lân cận thành phố cảng Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên vào biển Nhật Bản.
Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ảnh: KCNA
KCNA hôm 20-10 cho biết mẫu SLBM "kiểu mới" được phóng từ cùng một tàu ngầm tham gia cuộc thử nghiệm mẫu SLBM cũ hồi năm 2016.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích lưu ý rằng các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy mẫu SLBM mới nhỏ hơn so với loại tên lửa cũ và có thể là mẫu chưa được ra mắt trong cuộc triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng tuần trước.
SLBM nhỏ hơn đồng nghĩa với tàu ngầm có thể chứa nhiều tên lửa hơn dù tầm bắn sẽ ngắn hơn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy Triều Tiên tiến gần hơn tới việc biên chế tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSB).
Theo KCNA, SLBM mới được trang bị hệ thống công nghệ kiểm soát dẫn đường hiện đại, bao gồm "khả năng di chuyển vòng tránh và lượn tăng tốc trong giai đoạn hồi quyển".
"SLBM mới sẽ đóng góp lớn vào việc đưa công nghệ quân sự của Triều Tiên lên tầm cao mới và củng cố năng lực hoạt động dưới lòng biển của hải quân" – KCNA cho hay.
Tuy nhiên, diễn biến trên được cho sẽ chỉ đóng vai trò phần nào trong kho vũ khí của Triều Tiên cho đến khi quá trình đóng một tàu ngầm lớn hơn hiện Bình Nhưỡng đang triển khai đạt được nhiều tiến triển hơn.
Ông Dave Schmerler – chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California – nhận định: “Điều đó chỉ có nghĩa là họ đang cố gắng đa dạng hóa các lựa chọn phóng từ tàu ngầm của mình”.
"Đó là một sự phát triển thú vị. Tuy nhiên, chỉ với một tàu ngầm dưới nước, vốn có thể phóng một hoặc hai tên lửa trong số này, thì điều đó không thay đổi nhiều" – ông Schmerler nói thêm.
Ông Schmerler cho hay ông không rõ ý của KCNA khi đề cập "khả năng di chuyển vòng tránh" là gì, song cho rằng chi tiết "lượn tăng tốc trong giai đoạn hồi quyển" mà hãng thông tấn đề cập là một cách để thay đổi quỹ đạo của tên lửa nhằm tránh bị theo dõi và đánh chặn hơn.
Những năm gần đây, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, vốn được đánh giá là nhằm đối phó các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã tham dự cuộc bắn thử hôm 19-10.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa lúc 10 giờ 17 sáng 19-10 từ thành phố Sinpo, nơi Bình Nhưỡng có một căn cứ hải quân cũng như các thiết bị phóng thử nghiệm SLBM.