Tại Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức (Hà Nội), số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông rất đông. Bà Nguyễn Thị S. (52 tuổi, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng), cho biết con trai bà vừa được BV tỉnh Cao Bằng chuyển về BV Việt Đức chiều 23-1 để điều trị sau khi bị tai nạn giao thông.
Con trai bà S. năm nay 20 tuổi, do uống rượu say nên bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và gãy hai chân, hiện đang được các BS ở BV Việt Đức làm phẫu thuật nẹp vít cố định chân, sau đó sẽ bố trí lịch để phẫu thuật các chấn thương khác.
Với vẻ mệt mỏi, chán chường, bà S. cho biết Tết này nhà bà mất Tết vì cả gia đình có năm người thì cả năm đều vào viện để chăm người ốm. “Vì nó bạn bè, rượu chè quá chén để rồi bây giờ chả biết sống chết thế nào. Vợ chồng tôi và hai đứa con gái bỏ hết nhà cửa, công việc để xuống đây chăm thằng út. Tôi và đứa con gái lớn trông ban ngày, đổi ca cho hai bố con nó trông đêm. Nhà tôi trọ tại một phòng nhỏ ở gần đây. Tiền trọ, tiền ăn uống và bao chi phí khác tốn kém lắm” – bà S.than.
Cùng hoàn cảnh với bà S. là chị Trần Thanh M. (29 tuổi, quê ở Hà Nam). Chị M. cho biết, chồng chị công tác xa nhà, ngày Tết được về đoàn tụ với gia đình, vợ con thì uống rượu quá chén với bạn bè nên bị ngã gãy tay, chấn thương phần đầu. Chồng chị vừa nhập viện Việt Đức chiều 24-1, giờ đang chờ lịch mổ và phẫu thuật. Chị M. xác định Tết này sẽ đón Tết trong BV vì phải đi trông chồng nên những ngày Tết, chị gửi con lại cho người nhà trông giùm.
BS Phí Thị Mai Chi - Điều dưỡng Trưởng - Khoa khám bệnh - BV Việt Đức, cho biết tình trạng bệnh nhân nhập viện ngày Tết tăng đột biến (tăng gần 10%), chủ yếu là các ca nặng như chấn thương sọ não, chấn thương nội tạng, gãy tứ chi...
Theo BS. Mai, những năm trước, từ những ngày giáp Tết kéo dài đến mùng 2, mùng 3 Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 150-200 bệnh nhân cấp cứu và khoảng 80 bệnh nhân phải vào viện điều trị nội trú. Ngày nhiều nhất trong dịp Tết là 180 bệnh nhân/ngày, chủ yếu rơi vào ngày mùng 2, mùng 3 Tết.
“Năm nay, công tác trực tết đã chuẩn bị đầy đủ từ vật tư tiêu hao, thuốc, trang thiết bị cấp cứu và tăng nhân lực so với ngày thường. Đặc điểm khoa chúng tôi có nhiều bộ phận khám thường nên sẽ tăng cường nhân lực cho Khoa cấp cứu, mỗi kíp tăng thêm bốn nhân sự, từ 14 người/tua lên 18 người/tua” - BS. Mai chia sẻ.
Theo BS. Mai, các bệnh nhân khi ăn tết tại BV đều được Lãnh đạo từng khoa gửi quà chúc Tết tận giường. Tuy nhiên, với lượng bệnh nhân lên tới 1.500 bệnh nhân ra vào thường xuyên thì rất khó cho bệnh viện để chúc Tết đầy đủ.
Trong các ngày trực Tết, BV Việt Đức huy động gần 400 nhân viên trực/ngày, bao gồm cả sinh viên thực tập và lực lượng bảo vệ. Theo đó, từ điện nước, trang thiết bị, công nghệ thông… tin đều phải trực 24/24 để đảm bảo không xảy ra sự cố gì trong những ngày Tết.
Người nhà bệnh nhân chờ vào thăm người bệnh chiều 28 Tết
Theo TS. BS Lê Tư Hoàng, Phó trưởng khoa Điều trị, BV Việt Đức, nhân sự ở phòng cấp cứu là đông nhất, các BS bố trí như ngày thường và có đội hỗ trợ đằng sau. Trong những ngày Tết, các BS không được tắt máy, không được xa Hà Nội 40-50km để kịp thời quay về BV hỗ trợ nếu có nhiều ca cấp cứu.
BS. Hoàng cho biết, ở Khoa cấp cứu, BV Việt Đức có khoảng 40 cáng để cấp cứu bệnh nhân trong dịp Tết. Bệnh nhân nhập viện sẽ được phân loại để chuyến tuyến hoặc điều trị nội trú hay đưa đi cấp cứu...
Ngoài ra, trong dịp Tết, BV Việt Đức còn duy trì đội ngũ hỗ trợ chuyên môn là các chuyên gia y tế tư vấn ngoại viện. Bên cạnh đó, trực cấp cứu ngoại viện cũng được tăng cường thời gian này, vì nhiều trường hợp bệnh nhân nặng nhưng BV tỉnh không chuyển viện được thì BV Việt Đức sẽ hỗ trợ một kíp chuyển về.
"Lúc đó phải có đội trực dự trữ ở viện để bọc lót cho đội đi ngoại viện. Mấy ngày vừa qua chúng tôi đi ngoại viện liên tục, hầu hết sang BV Sản, Bệnh viện khu vực Hà Nội. Đi xa thì Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh...” – BS. Hoàng chia sẻ.