TỪ 1-1-2012, CHÂU ÂU CHUYỂN SANG NUÔI GÀ NHÂN ĐẠO:

Trứng “gà đi bộ” sợ trứng gà công nghiệp

Trứng “gà đi bộ” sợ trứng gà công nghiệp ảnh 1

Gà nuôi công nghiệp - Ảnh: The Guardian

Quy định về chăn nuôi nhân đạo của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ 1-1-2012, hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các trại gà công nghiệp, nơi gà được nuôi trong các dãy chuồng chật hẹp, chồng chất lên nhau.

Một châu Âu, hai tốc độ

10 quốc gia, bao gồm cả Anh - một nước không là thành viên nhóm các nước sử dụng đồng euro, sẽ phải tuân thủ hoàn toàn quy định bảo vệ gà đẻ trứng vào ngày 1-1-2012. Tuy nhiên có tám nước châu Âu, trong đó có Bồ Đào Nha, Bỉ và Ba Lan, không có khả năng thực hiện quy định chăn nuôi nhân đạo này vào đúng ngày đầu tiên của năm 2012. Ở ba nước này, hơn 17 triệu gà mái đẻ sẽ vẫn được nuôi trong những chuồng trại chật hẹp.

Đối với các nước EU khác như Ý, Hi Lạp và Hungary, những người vận động chính sách cho biết khó có khả năng các quy định ngặt nghèo về bảo vệ gà mái đẻ sẽ được đáp ứng trong bốn tháng tới ở những nước này. Chỉ riêng ở Ý, đến tháng 7-2011 vẫn còn gần 28 triệu con gà được nuôi nhốt trong chuồng trại.

Việc cấm nuôi gà công nghiệp đã được ban hành 12 năm trước, khi EU ra quy định về bảo vệ gà mái đẻ nhằm loại bỏ các trại gà công nghiệp, nơi gà bị nhốt trong chuồng chật hẹp không có chỗ vươn cánh. Theo quy định về chăn nuôi nhân đạo, gà đẻ phải được nuôi trong không gian cho phép chúng di chuyển, chạy nhảy thoải mái, có ổ rơm và chỗ đậu. Mật độ nuôi không được vượt quá 9 con/m2. Mỗi con gà được 10cm máng ăn nằm ngang hoặc 4cm máng ăn hình tròn.

“Mấy năm qua, nhiều nước dường như vẫn hi vọng thời điểm quy định có hiệu lực vào năm 2012 sẽ được hoãn. Giờ đây, nhiều trang trại bắt đầu nhận ra họ quá chậm trong việc đổi mới dây chuyền và điều kiện chuồng trại theo quy định mới” - Peter Stevenson, người ủng hộ mạnh mẽ quy định bảo vệ gà mái đẻ của EU, cho biết.

Đe dọa kinh tế

Các chủ trại gà ở Anh, những người sắp tới đây sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của EU, đang lo sợ trứng gà giá rẻ nhập khẩu từ những nước không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ khiến họ phá sản. Anh dự đoán khoảng vài trăm trại gà ở một số nước châu Âu, nơi cung cấp hàng triệu trứng mỗi ngày, có thể sẽ coi thường quy định chăn nuôi nhân đạo của EU.

Đức thậm chí đã ban hành riêng quy định cấm nuôi gà công nghiệp ở trong nước. Anh và Hà Lan chắc chắn sẽ chuyển sang chăn nuôi gà thả vườn từ năm 2012. Với những nước này, sự chậm trễ của các nước khác là mối đe dọa kinh tế cho mình.

Để chuyển sang nuôi “gà đi bộ”, các chủ trang trại phải có nhiều tiền trong hầu bao hoặc sẵn sàng vay nợ. Theo tính toán của Kelly Watson thuộc Hội Nông dân Anh, các chủ trại gà đã đầu tư khoảng 650 triệu USD trong những năm gần đây và chi phí trên mỗi đầu gà là 40 USD khi nuôi nhân đạo. Với số tiền khổng lồ đã đầu tư, sẽ là thảm họa nếu trứng gà thả vườn phải cạnh tranh với trứng gà công nghiệp.

Duncan Priestner, đồng chủ sở hữu một trang trại gà cỡ vừa với 120.000 con ở nam Manchester, cho biết ông đã tốn hơn 3,3 triệu USD để cải tạo chuồng trại theo quy định mới. “Chúng tôi không muốn thấy trứng gà nhập khẩu với giá rẻ hơn chiếm lĩnh thị trường. Với số nợ khổng lồ trên vai, mỗi xu chúng tôi thu lại từ chuỗi phân phối đều rất có giá trị” - Priestner nói.

Việc dán nhãn lên các hộp và vỏ trứng để người tiêu dùng nhận biết về nguồn gốc của trứng sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, việc giám sát các sản phẩm làm từ trứng như bánh ngọt và dung dịch trứng sẽ khó khăn hơn. Hội Nông dân Anh muốn EU đảm bảo trứng gà công nghiệp sẽ không có cơ hội phá bĩnh ở các nước chăn nuôi nhân đạo.

“Ngành chăn nuôi ở Anh đã nghiêm túc tăng cường đầu tư cho chăn nuôi nhân đạo. Những nỗ lực này sẽ bị hủy hoại nếu các nước khác không đồng thời thay đổi với cùng tốc độ - người phát ngôn của Cơ quan Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh cho biết - Chúng tôi đề nghị Ủy ban châu Âu có hành động để các nước đều tuân theo quy định bảo vệ gà mái đẻ vào năm 2012 và sẽ tiếp tục gây áp lực để đạt được mục tiêu này”.

Theo Hồng Vân (TTO / The Guardian)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm