Ông Lu Lizhi, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học nông nghiệp Chiết Giang, cho biết ít nhất 100.000 con vịt dự kiến sẽ được đưa sang Pakistan vào nửa cuối năm nay để chống lại đợt bùng phát châu chấu sa mạc.
"Việc sử dụng vịt mang lại hiệu quả đáng kể, ít tốn kém, ít gây tổn hại cho môi trường hơn nhiều so với thuốc trừ sâu” - ông Lu, người phụ trách dự án song song với một trường đại học ở Pakistan, nói với tờ Ningbo Evening News.
“Một con vịt có thể ăn hơn 200 con châu chấu mỗi ngày, trong khi gà chỉ ăn được 70 con” - ông Lu nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Bloomberg hôm 27-2, viện dẫn kết quả các cuộc thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng tìm kiếm và săn mồi của vịt.
Một cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc, trước khi những con vịt "đặc nhiệm" được đưa sang Pakistan, theo ông Lu.
Trẻ em cố đuổi châu chấu ở huyện Okara, tỉnh Punjab, Pakistan. Ảnh: THE STAR
Những bầy châu chấu sa mạc đã xâm lăng hàng loạt quốc gia từ Đông Phi đến Nam Á, phá hoại mùa màng và đồng cỏ với tốc độ kinh hoàng.
Dịch châu chấu, cùng với mưa trái mùa và tình trạng hạt giống chất lượng thấp đã tấn công những vụ mùa chính ở các khu vực sản xuất lớn nhất của Pakistan. Những côn trùng phá hoại này cũng đã di cư vào Ấn Độ.
Vấn đề trên sẽ rất quan trọng đối với Trung Quốc, vốn có chung biên giới trên bộ với Pakistan và Ấn Độ, nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của “giặc châu chấu”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một lá chắn là dãy núi Himalaya - một “hàng rào” giữa tiểu lục địa Ấn Độ và cao nguyên Tây Tạng.
Một nhóm chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đã đến Pakistan đầu tuần này để giúp kiểm soát đợt bùng phát châu chấu khi chúng di chuyển về phía đông, theo một bản tin được đăng trên website của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Karachi.
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của một cuộc tấn công từ “giặc châu chấu", châu Phi là nơi có thể tham khảo.
Chi phí đối phó châu chấu sa mạc ở phía đông Lục địa đen đã tăng gấp đôi, lên 128 triệu USD, với ngày càng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thuộc Liên Hiệp Quốc (FAO).
Tình hình vẫn cực kỳ đáng báo động ở khu vực sừng châu Phi, trong khi đã có một sự di chuyển đáng kể của bầy côn trùng phá hoại này trên bán đảo Ả Rập đến cả hai phía của vịnh Ba Tư, cơ quan trên cho biết thêm.