Theo báo Daily Inquirer, trong cuộc họp báo với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Obama tuyên bố Mỹ không hề có ý định chống phá hay kiềm chế Trung Quốc. “Mục tiêu của Washington là đảm bảo rằng các quy định quốc tế phải được tôn trọng, đặc biệt trong các tranh chấp quốc tế. Chúng tôi không đứng về phía nào trong các tranh chấp nhưng theo luật pháp và thông lệ quốc tế, không thể xử lý các tranh chấp bằng hành vi khiêu khích và cưỡng ép” - ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Benigno Aquino bắt tay trong cuộc gặp ở Manila - Ảnh: Reuters
Ký thỏa thuận an ninh
Tại cuộc họp báo, ông Obama cho biết Mỹ ủng hộ việc Philippines kiện bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tổng thống Aquino cũng cho rằng cần phải giải quyết các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở châu Á dựa trên luật pháp quốc tế. “Chúng tôi khẳng định rằng việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế là cách thức mở, thân thiện và hòa bình nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng và lâu dài” - ông Aquino khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và đại sứ Mỹ Philip Goldberg đã ký thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm, cho phép Washington tăng cường sự hiện diện quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này. Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Mỹ luân chuyển quân, triển khai tàu chiến và máy bay tại các căn cứ ở Philippines. Ông Obama nhấn mạnh Mỹ không hề có ý định mở lại các căn cứ quân sự cũ hay thiết lập căn cứ mới ở Philippines.
Manila và Washington sẽ đàm phán nội dung cụ thể của thỏa thuận trong thời gian tới.
AFP dẫn lời đại sứ Mỹ Goldberg cho biết EDCA sẽ giúp tăng cường liên minh an ninh Mỹ - Philippines để đối phó với những thách thức mới của thế kỷ 21, từ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia cho đến thảm họa tự nhiên. Thỏa thuận cũng tạo điều kiện cho quân đội hai nước tăng cường tập trận và huấn luyện chung. Các quan chức Manila tiết lộ thỏa thuận cũng cho phép quân đội Mỹ dự trữ các thiết bị, khí tài tại các căn cứ ở Philippines để dễ dàng triển khai trong những tình huống khẩn cấp.
Ông Obama đánh giá thỏa thuận trên sẽ giúp Philippines tăng cường sức mạnh quân sự và sẽ góp phần đảm bảo an ninh và hòa bình khu vực. Nhưng bất chấp lời trấn an của tổng thống Mỹ, phía Bắc Kinh vẫn đánh giá đây là một phần trong kế hoạch kiềm tỏa Trung Quốc. “Với việc Philippines đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, thỏa thuận này là rất đáng lo ngại bởi nó có thể khiến Manila cứng rắn hơn khi đối đầu với Bắc Kinh” - Tân Hoa xã bình luận.
Cảnh báo Trung Quốc
Cũng trong ngày 28-4, báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ quân đội Mỹ đã chuẩn bị một số biện pháp để phản ứng lại các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, khi Bắc Kinh có động thái gây căng thẳng, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom B-2 tới gần Trung Quốc và tổ chức các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay ở khu vực gần vùng biển Trung Quốc.
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cũng sẽ tổ chức các chiến dịch giám sát gần biên giới Trung Quốc và tăng cường điều tàu chiến cập cảng các nước đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một quan chức ở Washington khẳng định sau bất kỳ hành động nào mang tính khiêu khích của Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ có phản ứng quân sự lập tức nhằm buộc Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng. Nhà Trắng cũng sẵn sàng tăng cường triển khai lực lượng quân sự, bao gồm tàu sân bay, tới các vùng tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông. Đây sẽ là những thách thức trực tiếp đối với các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Hiếu Trung (TTO)