Vì sao thủy thủ phà Sewol không mặc đồng phục?

Đáng ngạc nhiên hơn, thuyền trưởng Lee Joon Seok khi luống cuống rời boong phà, trên mình chỉ mặc áo thun và quần lót. Tiếp sau ông Lee được đưa lên xuồng cứu nạn là 14 thành viên trong thủy thủ đoàn. Theo nhân viên cứu nạn, họ không biết những người đầu tiên rời khỏi phà là thủy thủ đoàn vì họ không mặc đồng phục. Đội trưởng Kim Kyung Il khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn không biết cho đến mãi sau này. Mọi người có mặc áo phao nên rất khó để phân biệt đâu là hành khách, đâu là thủy thủ. Hơn nữa, trong tình huống đó chúng tôi cũng không có thời gian để xem xét đến vấn đề ấy”.

Đội trưởng Kim thông tin thêm: “Một số người đã mặc áo phao nhảy xuống biển và nhanh chóng được chúng tôi kéo lên thuyền. Chúng tôi cũng đã phát loa yêu cầu hành khách cứ nhảy xuống biển, sẽ có người cứu”.   

 Môt tàu cứu hộ áp sát phà Sewol, kéo người nhảy xuống biển lên thuyền. Ảnh cắt từ clip.

Đáng tiếc khi hành khách nhận được hướng dẫn này thì đã quá muộn. Hơn 400 con người, trong đó ¾ là học sinh, lần đầu tiên đối mặt với sự cố lại hoàn toàn không nhận được chỉ dẫn đúng lúc, cần thiết từ người có trách nhiệm, chính điều đó đã cướp đi cơ hội thoát thân của họ.

15 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có người chịu trách nhiệm đứng mũi chịu sào là thuyền trưởng đã bỏ lại sau lưng họ hơn 400 con người cùng chiếc phà đang chìm dần xuống biển. Trong quy định của ngành hàng hải, khi tàu thuyển xảy ra sự cố thì thuyền trưởng phải ở lại để tìm cách thoát hiểm cho phương tiện và hành khách, đồng thời phải là người cuối cùng rời tàu. Trường hợp phà Sewol, chúng ta bắt gặp một cách hành xử hoàn toàn ngược lại.

 Thuyền trưởng phà Sewol là một trong những người đầu tiên rời khỏi con phà đang chìm. Ảnh cắt từ clip.

Một vấn đề khác là vì sao vị thuyền trưởng và một số thủy thủ không mặc đồng phục ở thời điểm xảy ra tai nạn? Nhiều người đã đặt nghi vấn họ cố tình “đánh tráo thân phận”,  giả làm hành khách để được cứu. Tuy nhiên, đội cứu nạn không đồng tình quan điểm này vì không phải là thủy thủ thì sẽ không được cứu. Điều này, nếu có, chỉ là để giải tỏa vấn đề tâm lý cho chính các thủy thủ này, họ cũng biết mình đang hành xử sai, nhưng đứng trước sống chết rất khó để quyết định sáng suốt.

Quá áp lực trước cơn phẫn nộ của dân chúng, thủ tướng Hàn Quốc, ông Chung Hong Won đã từ chức vì “bất lực” trước thảm họa của đất nước. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, quyền lực thực sự do tổng thống nắm giữ. Vì vậy, hành động từ chức của thủ tướng Chung phần nào chỉ mang tính tượng trưng.

 Dù cứu hộ được triển khai nhanh chóng nhưng số người  chết và mất  tích do tai nạn này vẫn quá cao. Ảnh cắt từ clip.

Đến thời điểm hiện tại, người ta đã tìm được 188 thi thể hành khách của phà Sewol, vẫn còn khoảng 114 người còn mất tích. 

Phương Dung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm