Trung Quốc lợi dụng khoa học để phát tán đường lưỡi bò

Song song với các hoạt động trên thực địa nhằm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc (TQ) đã lồng ghép bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) ở mọi kênh thông tin.

Thậm chí, bản đồ đường chín đoạn còn được lồng ghép trong các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học tự nhiên quốc tế, lĩnh vực mà ban biên tập và độc giả không phải ai cũng nắm rõ về các cạnh tranh địa chính trị ở châu Á và bản chất pháp lý của các yêu sách biển.

Lợi dụng khoa học cho các mục tiêu chính trị

Vượt ra ngoài khuôn khổ của việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như phim ảnh, hộ chiếu, quần áo…, bản đồ TQ có hình đường chín đoạn đã xuất hiện không ít trên các tạp chí khoa học tự nhiên quốc tế. Điều đáng nói là hình ảnh minh họa và nội dung chuyên môn của bài báo đa số không liên quan đến nhau.

Thực ra đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Từ năm 2011, báo chí đã có những bài viết cảnh báo về hiện tượng này. Theo khảo sát cơ bản của tác giả, số lượng bài báo có hình vẽ đường chín đoạn trên 20 tạp chí khoa học như Springer Nature (Đức), Science (Mỹ), Elsevier (Hà Lan) và MDPI (Thụy Sĩ)… với tổng số bài báo lên đến con số 260. Con số này còn chưa kể đến hàng ngàn tạp chí khoa học khác (có phí hoặc miễn phí) chưa được khảo sát đầy đủ. Đây là các tạp chí có lịch sử lâu đời thuộc sở hữu của các hiệp hội hay nhà xuất bản (NXB) khoa học tự nhiên phương Tây, có uy tín về học thuật, có chỉ số ảnh hưởng lớn, được tham khảo và trích dẫn nhiều, có lượng độc giả lớn.

Các bài báo này chủ yếu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, trải rộng trên nhiều chuyên ngành khác nhau từ khí hậu, thủy văn, khảo cổ học cho đến nông nghiệp, sinh học, năng lượng, môi trường, quản lý rác thải và y tế công cộng. Điều đáng chú ý là đa số các bài báo là kết quả nghiên cứu từ các dự án do bộ, ngành, cơ quan chính phủ TQ tài trợ. Học giả TQ khi được hỏi lại né tránh giải thích về mối liên hệ giữa đường chín đoạn và luận điểm chính của bài báo. Điều này khiến nhiều người cho rằng chính phủ TQ đứng đằng sau các ấn phẩm này.

Việc lồng ghép bản đồ có hình vẽ đường lưỡi bò trong các diễn đàn khoa học tự nhiên mà không có chú thích đầy đủ là thủ thuật chính trị, lợi dụng sự khách quan của khoa học cho các mục tiêu về biên giới, lãnh thổ.

Biểu đồ số lượng bài báo khoa học có đường chín đoạn qua các năm. Nguồn: Tác giả vẽ

Bản đồ có đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: CSIS

Các tạp chí quốc tế nói gì?

Câu hỏi đặt ra là tại sao những hình ảnh minh họa không liên quan và không có cơ sở pháp lý như đường chín đoạn lại có thể vượt qua quy trình bình duyệt và hiệu đính khắt khe của các tạp chí khoa học tự nhiên. Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở lỗ hổng kiến thức liên ngành hoặc thiếu bao quát về các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền trong giới khoa học tự nhiên quốc tế.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia phản biện và biên tập viên của các tạp chí có thể chỉ tập trung vào nội dung khoa học của bài báo hơn là chi tiết của các hình ảnh minh họa và khó lòng nhận ra việc TQ đã khéo léo lợi dụng khoa học để thúc đẩy các mục tiêu chính trị. Và thậm chí ngay cả khi được thông báo về vấn đề này, một số NXB và biên tập viên đã chọn phương án tránh “gây hấn” với TQ. Lý do là TQ vừa là nguồn cung đáng kể các bài báo khoa học cho các tạp chí, vừa là thị trường lớn cho các sản phẩm đã xuất bản.

Phản hồi với nỗ lực đấu tranh của các nhà khoa học Việt Nam, Science đã đăng chú thích của ban biên tập từ năm 2011 nhấn mạnh rằng tạp chí này “không đứng về bên nào trong các yêu sách chủ quyền/quyền tài phán và sẽ xem xét lại quá trình bình duyệt bản đồ”. Cũng trong năm 2011, Nature đã xuất bản hai bài báo đề cập đến ý đồ của TQ trong việc sử dụng các ấn phẩm khoa học để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Sau đó, với các bài báo có hình ảnh đường chín đoạn, Nature đều đăng kèm chú thích trung lập với các yêu sách quyền tài phán.

Sự phản hồi của các NXB/ban biên tập kể trên là minh chứng cho thấy nỗ lực của các học giả Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Đây là bước đầu đánh động ban biên tập các tạp chí về việc vi phạm đạo đức hàn lâm của các học giả TQ. Năm 2018, NXB Elsevier đưa ra chú thích nhằm nhấn mạnh đường chín đoạn trong bản đồ sử dụng trong bài là “đối tượng tranh cãi trong luật quốc tế, ngoại giao và chính trị”. Đến nay, đây là cách xử lý ở mức cao nhất của các NXB.

Trung Quốc có ý đồ “mưa dầm thấm đất”

Người TQ chịu ảnh hưởng rất lớn từ binh pháp của Tôn Tử: Thượng sách của việc dụng binh là dùng mưu lược để thắng lợi; sau đó là các biện pháp dùng ngoại giao để hạ đối thủ; trong khi việc dùng quân lính đánh trực diện vào thành để thắng chỉ là hạ sách.

Để đạt được mục tiêu “không đánh mà thắng” ở Biển Đông, TQ đã tăng cường truyền bá đường chín đoạn trên các ấn phẩm quốc tế nhằm đánh vào nhận thức, tình cảm, tâm lý của cộng đồng quốc tế, bao gồm giới khoa học và tri thức. Nói cách khác, TQ coi “dư luận” là một mặt trận, bên cạnh hai mặt trận quan trọng khác là “tâm lý chiến” và “pháp lý chiến”. Trong đó, với “dư luận chiến”, TQ tập trung tuyên truyền hòng làm thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế. Điều này không phải diễn ra một sớm một chiều, mà TQ nhắm đến dài hạn.

Phải khẳng định rằng việc lồng ghép các bản đồ có hình vẽ đường chín đoạn trong các công trình nghiên cứu về khoa học tự nhiên không làm thay đổi giá trị pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò. Tuy nhiên, đường chín đoạn có thể tồn tại lâu dài trong hệ thống tri thức của nhân loại nếu các NXB tiếp tục cho phép đường chín đoạn tồn tại trên các ấn phẩm của họ vì bất kỳ lý do gì.

Không loại trừ khả năng phía TQ có thể sử dụng lại các bản đồ này, viện dẫn đến các nghiên cứu, xuất bản đã có như là một sự (ngầm) thừa nhận thực tế của cộng đồng học thuật quốc tế đối với yêu sách chủ quyền của TQ.

Trước năm 2009, số lượng các bài báo có bản đồ đường chín đoạn chỉ mang tính đơn lẻ. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, con số này tăng mạnh qua từng năm. Năm 2018, các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín đã đăng hơn 57 bài; sáu tháng đầu năm 2019 có 45 bài có hình vẽ đường chín đoạn. Và xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2020.

ThS NGUYỄN THÙY ANH, Viện Biển Đông 

Dùng đòn bẩy pháp lý trong cuộc chiến dư luận

Nỗ lực đấu tranh của các nhà khoa học Việt Nam đưa đến một gợi ý quan trọng: Nên chăng tập hợp một liên minh các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực giữa các nước ASEAN ở Biển Đông trong việc phổ biến rộng rãi bản chất pháp lý của đường chín đoạn. Ngoài ra, quá trình đấu tranh với các NXB cần nhấn mạnh tính phi pháp của yêu sách đường lưỡi bò theo phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016. Ngoài ra, cần yêu cầu các ban biên tập, NXB khi nêu ranh giới hành chính quốc gia trong các hình ảnh minh họa cho bài báo cần phải sử dụng các tài liệu chính thức của Liên Hợp Quốc.

Tiếp thêm sức cho giới chuyên gia, học giả, chính phủ các nước cũng có thể có tiếng nói chính thức và mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Trong sáu tháng đầu năm 2020, ở Biển Đông, vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS đang được đề cao và phán quyết của Tòa Trọng tài đang được hồi sinh qua cuộc chiến công hàm và tuyên bố của các nước thời gian gần đây.

Với xu thế này, đây có thể là thời điểm phù hợp để chính giới và giới chuyên gia phối hợp hành động, cùng nhau hướng đến mục tiêu đảm bảo tính khách quan của khoa học cũng như sự toàn vẹn của hệ thống pháp lý quốc tế không bị lợi dụng.

Nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam

Vấn đề TQ cài cắm hình vẽ đường chín đoạn được các học giả Việt Nam phát hiện và phản đối từ năm 2011. Đỉnh điểm của phong trào phản đối này là nhóm 57 học giả, kỹ sư Việt Nam ở trong và ngoài nước gửi thư đến tạp chí Nature đề nghị gỡ các bản đồ có hình vẽ đường chín đoạn.

Liên quan vấn đề này, TS Dương Danh Huy (Anh) đã gửi thư phản đối đến tạp chí Science của Hiệp hội Khoa học Mỹ (AAAS); GS Phạm Quang Tuấn (Úc) cũng phản đối Waste Management; ở Canada có nhóm Xóa Lưỡi Bò của TS Bùi Quang Hiển và TS Trần Ngọc Tiến Dũng; ở Úc, Mỹ và New Zealand có nhóm của chuyên gia Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long; ở Đức có nhóm VLOS của chuyên gia Cao Xuân Hiếu…

Năm 2015-2016, TS Vũ Đình Thống (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nỗ lực chặn đứng một bài báo định lồng ghép xuất bản bản đồ lưỡi bò phi pháp trên tạp chí Thú học (Journal of Mammalogy). Việc lợi dụng của TQ lắng xuống kể từ năm 2012 đến 2018, tuy nhiên các học giả TQ vẫn âm thầm xuất bản các bản đồ này. Năm 2019, báo chí một lần nữa chú ý đến vấn đề này khi PGS Nguyễn Đình Phú (ĐH California ở Irwin, Mỹ) nêu và trao đổi vấn đề này với NXB Elsevier. 

______________________

(*) Nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm