"Không có sự hợp tác giữa bất cứ quốc gia nào nên nhắm đến bên thứ ba" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong một tuyên bố gửi đến Reuters để đáp lại báo cáo hôm 10-2.
"Các quốc gia bên ngoài khu vực phải dừng lại hành động thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông, chấm dứt đe dọa chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển trên danh nghĩa 'tự do hàng hải" và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực", một phần nội dung tuyên bố.
Trước đó, hôm 10-2, một bài báo của hãng tin Reuters nói rằng Mỹ muốn các đồng minh trong khu vực và những quốc gia châu Á khác giữ lập trường thống nhất hơn đối với biển Đông để đối phó với các động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (Mỹ) đã áp sát đảo Tri Tôn hôm 30-1. (Ảnh: Reuters)
Bài báo của Reuters cho biết một quan chức quốc phòng Mỹ nói với hãng tin này rằng Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc hội đàm về tuần tra hải quân chung trên các vùng biển, trong đó có thể bao gồm biển Đông.
Đổng thời, theo Reuters, hải quân Ấn Độ từ trước đến nay chưa tiến hành tuần tra chung với một nước nào khác và phát ngôn viên hải quân Ấn Độ nói rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của New Delhi về việc chỉ tham gia một nỗ lực quân sự quốc tế dưới bóng cờ của Liên Hiệp Quốc.
Theo bài báo, cả Ấn Độ và Mỹ đều không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng hai nước cho biết họ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm New Delhi hồi tháng 1-2015.
Ông Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thời điểm đó cũng đã nhất trí "xác định các lĩnh vực cụ thể cho việc mở rộng hợp tác hàng hải".
Trong tuyên bố gửi đến Reuters, ông Hồng còn nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan nói và hành động một cách thận trọng, tránh can thiệp vào vấn đề biển Đông, và đặc biệt tránh bị lôi kéo bởi một số quốc gia để cuối cùng làm tổn hại đến chính lợi ích của họ".