Yêu sách của Trung Quốc là quá đáng
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 9-2, ông Clapper mô tả các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là quá đáng. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Ông cho biết trong chuyến thăm của ông tới Trung Quốc hồi năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn khẳng định với ông rằng các đảo nhân tạo được xây dựng để phục vụ mục đích dân sự.
Trung Quốc bồi đắp trái phép đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Getty Images)
Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một đường băng trái phép ở quần đảo Trường Sa và dường như đang xây dựng thêm ba đường băng khác. Những đường băng này sẽ cho phép máy bay trinh sát Trung Quốc hạ cánh và tiếp nhiên liệu ở các đảo, tạo cho Bắc Kinh khả năng kiểm soát dễ dàng tất cả mọi thứ di chuyển qua khu vực.
Trước khi những cảnh báo của ông Clapper được đưa ra, một bài viết trên Asia Times nhấn mạnh rằng phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đã tăng cường đáng kể những nỗ lực tuyên truyền trong vấn đề tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Báo chí Trung Quốc bênh vực vô lý
Các bài xã luận thậm chí kêu gọi Trung Quốc kiểm soát chặt hơn khu vực theo sau sự kiện tuần tra "tự do hàng hải" của Mỹ ở quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 30-1, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ đã tiến hành áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ động thái trên trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố chính thức không có cơ sở pháp lý: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và những vùng biển lân cận".
Trong một bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), một sĩ quan cao cấp của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí đã kêu gọi Trung Quốc lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Đông và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực "càng sớm càng tốt".
Trên Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng mô tả các cuộc tuần tra tự do hàng hải là một "hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc". Bài báo của tờ này còn thẳng thừng tuyên bố rằng Mỹ đang âm mưu làm "bá chủ hàng hải" bằng cách duy trì sự hiện diện trong vùng biển khu vực.
Tuy nhiên, như tờ The Diplomat ghi nhận, Trung Quốc đã cẩn thận khi không đưa ra bất kỳ khiếu nại pháp lý cụ thể nào liên quan đến phạm vi biên giới trên biển của nước này ở biển Đông bởi các yêu sách như "đường chín đoạn" của Bắc Kinh là vô căn cứ và không có giá trị pháp lý.
Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc vẫn thực hiện chiến dịch tuyên truyền, ủng hộ cho các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh, đồng thời còn viện lý cho hành động tăng cường chi tiêu quốc phòng và quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.