Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cùng hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Về các lực lượng và sức mạnh trên biển (Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ), đã đồng loạt lên tiếng việc tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG 54) thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hành xử phù hợp luật pháp quốc tế
Tàu khu trục phóng tên lửa USS Curtis Wilbur neo tại căn cứ Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa (Nhật).
Lầu Năm Góc thông báo tàu chiến USS Curtis Wilbur thực hiện quyền tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn mà không có tàu quân sự Trung Quốc nào đến gần.
Hoạt động tự do hàng hải của tàu được thực hiện hai ngày sau khi Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, phát biểu tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông.
Thượng nghị sĩ John McCain phân tích: “Hoạt động này đã phản bác các yêu sách hàng hải thái quá, hạn chế các quyền, tự do của Mỹ và các nước theo luật pháp quốc tế”.
Ông nhấn mạnh: “Tôi tiếp tục hy vọng các hoạt động như thế sẽ trở nên thường xuyên để Trung Quốc và các nước khác có tranh chấp chấp nhận đó như hiện tượng bình thường…”.
Hạ nghị sĩ Randy Forbes tuyên bố: “Tàu USS Curtis Wilbur đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Á. Cho dù chủ quyền các đảo này có thể đang bị tranh chấp, quyền tự do bay qua, đi tàu và hoạt động trong vùng biển xung quanh là điều không tranh cãi”.
Ông đề nghị chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải và kêu gọi các nước cùng tham gia tự do hàng hải chung.
Tàu khu trục phóng tên lửa USS Curtis Wilbur. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Úc sẽ làm như Mỹ
Tại Úc, ngày 31-1, Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne ra thông cáo ủng hộ hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur của Mỹ và ám chỉ có thể Úc cũng sẽ làm như thế.
Báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin bà Bộ trưởng Marise Payne nói: “Mỹ đã thông báo công khai chính sách tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Bà nhấn mạnh: “Điều quan trọng cần thừa nhận là mọi quốc gia đều có quyền tự do đi tàu và tự do bay qua theo luật pháp quốc tế, kể cả biển Đông”.
Bà cho biết Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại, tự do đi tàu và bay qua ở biển Đông.
Bà khẳng định: “Vì chúng ta đã làm như thế trong nhiều thập niên, tàu thuyền và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do đi tàu và tự do bay qua theo luật pháp quốc tế, kể cả ở biển Đông”.
Bà cho biết Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực về an ninh hàng hải.
Hồi cuối năm ngoái, Úc đã từng ủng hộ Mỹ khi đưa một máy bay thám sát P-3 Orion bay đến không phận trên biển Đông để thực hiện quyền tự do bay qua.
Vì sao là đảo Tri Tôn?
Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, tàu khu trục USS Curtis Wilbur thực hiện quyền đi qua vô hại trong 12 hải lý của đảo Tri Tôn. Trang web quốc phòng Breaking Defense (Mỹ) ghi nhận điều này có nghĩa lúc đó tàu không tiến hành hoạt động quân sự.
Chuyên gia Patrick Cronin, Giám đốc chương trình châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Vì An ninh Mỹ mới, nhận xét nếu thực hiện quyền đi qua vô hại thì tàu USS Curtis Wilbur không thách thức trực tiếp yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vì quyền đi qua vô hại được cho phép thực hiện trong 12 hải lý của bất kỳ nước nào.
Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định thực ra tàu khu trục USS Curtis Wilbur tiếp tục thực hiện mục tiêu như tàu USS Lassen đã làm hồi năm ngoái. Đó là nối lại hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đã thực hiện rồi dừng lại hồi năm 2012.
Bà cho rằng để khẳng định mục đích, Mỹ cần tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải quanh đá Vành Khăn và cần hành động xa hơn quyền đi qua vô hại, đồng thời tiến hành thao tác quân sự.
Báo Japan Times (Nhật) nhận định sau sự kiện tàu khu trục USS Lassen của Mỹ áp sát đá Subi ngày 27-10-2015, nhiều người chờ đợi đá Vành Khăn sẽ là mục đích kế tiếp.
Dù vậy chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Học viện Lowy ở Sydney (Úc), phân tích lần này hải quân Mỹ chọn đảo Tri Tôn vì nguy cơ phản ứng tương đối thấp hơn đá Vành Khăn.
Ông nhận xét: “Khi quá cảnh gần đảo Tri Tôn, về chiến thuật hải quân Mỹ có thể bất ngờ vào và ra trước khi Trung Quốc có thể đưa tàu chiến hay tàu hải giám phản ứng”.
Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại TTXVN đưa tin trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 30-1, hải quân Mỹ thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 31-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (Điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”. ___________________________________ Với hoạt động thực hiện quyền đi qua vô hại, Mỹ thận trọng phát tín hiệu với Trung Quốc rằng Washington tiếp tục thực hiện tiến trình từng bước ở mức tối thiểu trong đấu tranh chống tham vọng thái quá ở biển Đông. Trung Quốc sẽ phải nhìn thấy trong đó thỏa thuận ngầm rằng không nên gia tăng nhiệt độ. Chuyên gia EUAN GRAHAM, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Học viện Lowy ở Sydney |