Điều này có nghĩa, các sản phẩm thuốc lá điện tử và các nhà sản xuất thuốc lá điện tử tại quốc gia này sẽ được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ theo quy trình tương tự như đối với thuốc lá điếu thông thường.
Quá trình triển khai và hiệu quả quản lý còn phải chờ thêm nhưng trước mắt các công ty bắt buộc phải có giấy phép sản xuất. Việc đưa thuốc lá điện tử vào chính sách quản lý có thể là cách Trung Quốc tiến tới cách mạng hóa chiến lược giảm thiểu tác hại thuốc lá trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp có tính chất toàn cầu
Tập đoàn Thuốc lá Quốc gia Trung Quốc (CNTC), là công ty thuốc lá lớn nhất thế giới thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước, chiếm doanh thu hơn 40% trong tổng doanh thu bán thuốc lá trên toàn cầu. Vì vậy, Trung Quốc có lý do để trì hoãn hoặc cấm các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu, như thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá làm nóng.
Việc Trung Quốc công nhận vai trò của giảm thiểu tác hại thuốc lá là bước ngoặt lớn và được dự báo trước.
Khoảng 90% sản phẩm thuốc lá điện tử trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, tạo ra khoảng 3 triệu việc làm. Hơn 170.000 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng liên quan đến thuốc lá điện tử. Thâm Quyến, thủ phủ thuốc lá điện tử ở Trung Quốc với các nhà máy thuốc lá điện tử “trải dài vô tận” trên các con đường nối sân bay và trung tâm thành phố, nơi đáp ứng nhu cầu của thế giới về các sản phẩm giảm thiểu nguy cơ đã tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2013.
Nhìn chung, thuốc lá điện tử tại Trung Quốc là một ngành công nghiệp đang bùng nổ và dẫn đầu thế giới, tạo việc làm cho người dân, đóng thuế cho chính phủ… Các chuyên gia nhận định thị trường này sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục đạt được những cột mốc mới. Vì vậy, không khó hiểu vì sao chính phủ Trung Quốc phải thi hành chính sách quản lý đối với các ngành công nghiệp thuốc lá thế hệ mới này.
Quyền lợi quốc gia là tối thượng
Mặc dù chiến lược giảm tác hại là một trong những trụ cột của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) bên cạnh chiến lược giảm nguồn cung thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng. Thế nhưng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tỏ ra dè dặt với chiến lược này. Theo đó, WHO khuyến khích chính phủ các nước ưu tiên ngăn chặn sự hiện diện của những sản phẩm này tại quốc gia của họ trước khi đi đến quyết định quản lý. Do vậy, việc Trung Quốc, nước thành viên của FCTC, đưa thuốc lá thế hệ mới vào Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành càng cho thấy mỗi quốc gia hoàn toàn có đủ sự tự chủ để đặt quyền lợi quốc gia cao hơn so với những khuyến nghị hà khắc trong chiến lược kiểm soát thuốc lá thế hệ mới của WHO.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng bác bỏ các hướng dẫn cho các Bên về việc hạn chế sự can thiệp của chính phủ đối với ngành công nghiệp thuốc lá tại cuộc họp các bên lần thứ 3 (COP3) tổ chức vào năm 2008. Mặt khác, tại các kỳ họp Hội nghị các bên COP3 và COP4, phái đoàn Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của đại diện ngành công nghiệp thuốc lá, điều này hoàn toàn trái với các điều khoản của FCTC.
Hành động kiểm soát thuốc lá điện tử của chính quyền Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá là một sự công nhận đối với chiến lược giảm tác hại thuốc lá. Công ty quốc doanh CNTC của Trung Quốc hiện đang là tập đoàn nắm giữ bằng sáng chế giảm tác hại thuốc lá lớn nhất thế giới với gần 27% tổng số bằng sáng chế được công bố, cùng với Tập đoàn Kimree Technology (tập đoàn nắm giữ bằng sáng chế lớn thứ tư) cũng có trụ sở tại Trung Quốc.
Hiện các quan sát viên cũng dự đoán sự ủng hộ chiến lược giảm tác hại của Trung Quốc sẽ giúp tạo ra đối trọng đáng kể trong các cuộc tranh luận quốc tế về chiến lược giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu.
Không chỉ có Trung Quốc, nhiều quốc gia khác đã phản kháng lại cách tiếp cận cấm đoán cực đoan của WHO đối với những cải tiến trong hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá. Cụ thể, Philippines vốn duy trì các chính sách hà khắc đối với thuốc lá điện tử được tài trợ bởi Quỹ từ thiện Bloomberg, đã tuyên bố trước thềm Hội nghị các Bên lần thứ 9 (COP9) của Công ước Khung FCTC của WHO vào tháng 11 rằng họ cam kết có cách tiếp cận “công bằng và dựa trên sở cứ” để kiểm soát thuốc lá. Đồng thời, quốc gia này cũng tuyên bố rằng họ không có ý định cấm thuốc lá điện tử hoặc các sản phẩm thuốc lá làm nóng. Malaysia cũng cho biết họ sẽ tiến tới quản lý và đánh thuế các sản phẩm thuốc lá điện tử thay vì cấm đoán.
Mặt khác, lợi ích của việc kiểm soát thuốc lá thế hệ mới bởi chính quyền Trung Quốc chính là tạo sự an toàn, niềm tin vào chất lượng đối với các sản phẩm giảm thiểu tác hại trong tương lai. Bởi vì, Trung Quốc không chỉ cung ứng trong nước mà còn là nhà cung cấp thuốc lá điện tử cho toàn cầu. Việc Trung Quốc công nhận vai trò của giảm thiểu tác hại thuốc lá được dự báo sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với quan điểm của WHO về hướng tiếp cận này. Các chuyên gia cũng dự đoán, WHO sẽ sớm cân nhắc lại về lập trường cực đoan của mình và có những hành động dựa trên tình hình thực tiễn hơn là sự lý tưởng hóa về một thế giới không thuốc lá.